PHẠM TÂY SƠN (Phạm đình Tuấn)

TỔ QUỐC VIỆT NAM – DANH DỰ – ĐỒNG BÀO TRÊN HẾT Thông tin để khai trí và phát triển.

-Covid-19 phá vỡ chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu

Posted by phamtayson trên 06/04/2020


Ở quận Satara màu mỡ phía Tây Ấn Độ, những người nông dân đang cho gia súc ăn theo một chế độ khác thường: Một số cho trâu ăn rau xà lách, một số cho bò ăn dâu tây.

Ảnh minh họa: Travelerpix/Shutterstock.

Tại quốc gia hơn 1,3 tỷ dân này, những người nông dân hoặc phải cho động vật ăn sản phẩm thu hoạch từ vụ mùa, hoặc là để chúng hư hỏng. Đã có những người nông dân làm như vậy, đổ hàng đống xe tải nho đã thối vào đống phân ủ.

Nông dân Ấn Độ không thể đưa sản phẩm của họ đến người tiêu dùng vì lệnh phong tỏa. Ở Ấn Độ, cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, những hạn chế trong việc đi lại đang phá vỡ chuỗi cung ứng lương thực và nông nghiệp, làm gia tăng mối lo ngại về tình trạng thiếu hụt và tăng giá.

Trên thế giới, hàng triệu lao động không thể đến các cánh đồng để thu hoạch và trồng trọt. Có quá ít tài xế xe tải vận chuyển hàng hóa. Dịch vụ vận chuyển hàng không các sản phẩm tươi đã giảm mạnh.

Ở Florida, thiếu lao động nhập cư Mexico có nghĩa là chủ trang trại dưa hấu và việt quất phải đối mặt với việc nông sản bị hỏng. Tình trạng tương tự ở châu Âu cũng khiến nhiều loại rau quả không được thu hoạch và thối rữa.

Những quả cam bị thối rữa tại một trang trại ở Lake Wales, Florida do thiếu công nhân thu hoạch (ảnh chụp màn hình Reuters).

Những biến động trong sản xuất và phân phối thực phẩm như vậy cho thấy đại dịch không chỉ đang làm nghẹt thở các nền kinh tế trên thế giới mà còn ảnh hưởng tới cả thị trường kinh doanh và tiêu dùng thiết yếu nhất. Cho đến nay, việc cung cấp các loại ngũ cốc chính như gạo và lúa mì đang bị gián đoạn, mặc dù việc trồng trọt và hậu cần đang gia tăng.

Ông Anil Salunkhe, một nông dân Ấn Độ đang cho bò ăn dâu tây vì những khách du lịch địa phương cũng như những người bán trái cây trên đường phố của thành phố Mumbai gần đó đã không còn xuất hiện trong thời gian gần đây.

Ông Anil Salunkhe đang cho bò ăn dâu tây hôm 1/4 ở làng Darewadi, thuộc quận Satara (ảnh chụp màn hình của Reuters).

Thậm chí ông còn không thể tặng dâu tây cho người khác: Với lệnh yêu cầu ở nhà, chẳng mấy người dám sang lấy.

Ở làng Bhuinj gần đó, ông Mitchhakar Bhosale cho trâu ăn xà lách và còn bảo dân làng đến lấy về cho gia súc. Các khách sạn và nhà hàng thường mua xà lách của ông đều đã đóng cửa.

Thiếu lao động nhập cư ở Ấn Độ

Ông Abdolreza Abbassian, một nhà kinh tế cấp cao của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, tác động của việc gián đoạn trồng trọt và thu hoạch là nghiêm trọng nhất ở các nước nghèo có dân số lớn.

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới và phần lớn người dân làm việc trong ngành nông nghiệp, là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi sự gián đoạn.

Thủ tướng Narendra Modi hôm 25/3 ra lệnh phong tỏa đất nước trong 21 ngày, khiến nhiều người trong số 120 triệu lao động nhập cư phải tìm cách về nhà.

Phía Bắc Ấn Độ, nơi sản xuất lượng lớn ngũ cốc, phụ thuộc vào nguồn lao động từ phía Đông đất nước, nhưng các công nhân đã rời khỏi các trang trại do lệnh phong tỏa.

“Ai sẽ đóng gói, đưa sản phẩm ra thị trường và vận chuyển chúng đến các nhà máy?”, ông Jadish Lal, một thương gia ở thị trường ngũ cốc lớn nhất Ấn Độ nói.

Tại Canada, lượng nhập khẩu các loại rau đặc sản của Ấn Độ như hành tây, đậu bắp và cà tím đã giảm tới 80% trong hai tuần qua khi việc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không bị giới hạn, ông Clay Castelino, chủ tịch Orbit Brokers có trụ sở tại Ontario, cho biết.

Ông Castelino cho rằng lượng nhập khẩu giảm mạnh có nghĩa là thực phẩm đã bị lãng phí: “Với loại thực phẩm dễ hỏng, thì một khi bị thối rữa sẽ phải bỏ đi”.

Tình trạng tương tự ở châu Âu

Tây Ban Nha thiếu lao động nhập cư từ các quốc gia, trong đó có Morocco. Tây Ban Nha phong tỏa đất nước từ ngày 16/3 nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.

“Trong khoảng 15 ngày nữa, việt quất sẽ vào mùa thu hoạch cho đến giữa tháng 5”, Reuters hôm 4/4 dẫn lời ông Francisco Sanchez, một người quản lý tại hiệp hội trồng trọt Tây Ban Nha Onubafbean. “Chúng tôi cần lượng lớn lao động”.

Người lao động Mexico lái xe chở các thùng thu hoạch việt quất ở tại một trang trại ở Lake Wales, Florida hôm 31/3 (ảnh chụp màn hình Reuters).

Còn tại Ý, nước này cần khoảng 200.000 lao động thời vụ trong hai tháng tới. Chính phủ có thể phải yêu cầu những người dân nhận trợ cấp nhà nước đi thu hoạch trái cây và rau quả, ông Ivano Vacondio, người đứng đầu Hiệp hội Thực phẩm Ý cho hay.

Tại Pháp, Bộ trưởng Nông nghiệp Didier Guillaume đã hô hào những người lao động đang nghỉ việc đăng ký vào danh sách mà ông gọi là “đội quân bóng tối”, tới hỗ trợ các trang trại.

“Nếu lời kêu gọi không được đáp lại, nông sản sẽ không được thu hoạch và toàn bộ khu vực sẽ phải chịu thiệt hại”, ông Christiane Lambert, người đứng đầu FNSEA, công đoàn nông nghiệp lớn nhất của Pháp, cho biết.

Tại Brazil, nước xuất khẩu đậu nành, cà phê và đường hàng đầu thế giới, Liên đoàn Nông nghiệp và Chăn nuôi  cho biết ngành công nghiệp đang phải đối mặt với một loạt vấn đề, trong đó có khó khăn trong việc thuê tài xế xe tải để vận chuyển nông sản và thiếu vật tư nông nghiệp.

Ở Argentina, nước xuất khẩu sữa đậu nành hàng đầu thế giới, việc xuất khẩu đã bị gián đoạn khi chính phủ tăng cường kiểm tra các tàu chở hàng đến.

Khó khăn trong vận chuyển

Ngoài các vấn đề về vận tải đường bộ, sự sụt giảm mạnh về các chuyến bay đã ảnh hưởng tới việc vận chuyển thực phẩm tươi.

Ông Andres Ocampo, giám đốc điều hành của HLB Specialicat LLC, một nhà nhập khẩu trái cây có trụ sở tại Miami, Florida, đã dựa vào các chuyến bay thương mại để vận chuyển đu đủ và các nông sản khác từ Brazil. Hiện tại, ông đang đặt mua thêm từ Mexico và Guatemala, nơi hàng hóa vẫn có thể được vận chuyển bằng xe tải.

Ông Ocampo cho biết lượng nhập khẩu trái cây từ Brazil đã giảm 80%.

Các nhà xuất khẩu của Mỹ và Canada đang vật lộn với tình trạng thiếu container đông lạnh để vận chuyển hàng hóa, vì các chuyến đi của các tàu container từ Trung Quốc đến Bờ Tây đã giảm 1/4.

“Hiện tại rất khó có thể kiếm được các container”, ông Michael Dykes, chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm bơ sữa Quốc tế, một tập đoàn thương mại có trụ sở tại Mỹ cho biết. “Nếu một công ty cần 5 container, họ sẽ chỉ kiếm được 1 cái mà thôi”.

Các container bị ùn tắc ở một cảng tại New York, Mỹ (ảnh chụp màn hình Reuters).

Tình trạng tắc nghẽn ở cảng đang làm chậm các chuyến hàng thịt lợn và thịt bò đến các địa điểm như Trung Quốc vì các công nhân được yêu cầu ở nhà. Điều đó càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm protein ở Trung Quốc. Trước đó, nước này thiếu thịt lợn nghiêm trọng do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi.

Một tình trạng khủng hoảng khác quá khứ

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch Covid- 19 khác với các cuộc khủng hoảng lương thực trong giai đoạn 2007 – 2008 và 2010 – 2012, khi hạn hán ở các quốc gia sản xuất ngũ cốc gây ra tình trạng thiếu hụt dẫn đến giá cả cao hơn do tích trữ, bất ổn và bạo loạn tại một số nơi.

Giờ đây, nguồn cung ngũ cốc chủ yếu tương đối dồi dào và giá cả toàn cầu đã giảm trong nhiều năm do nông dân ở Mỹ, Brazil và khu vực Biển Đen đã trồng nhiều hơn và năng suất được cải thiện.

Mặc dù có dấu hiệu cho thấy các nhà nhập khẩu lớn như Iraq và Ai Cập đang tăng cường mua ngũ cốc trong bối cảnh lo ngại an ninh lương thực gia tăng, thì các quốc gia khác đang đẩy mạnh xuất khẩu. Chẳng hạn, Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới đang tận dụng giá gạo cao hơn để tăng xuất khẩu từ kho dự trữ.

Tuy nhiên, Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã ngừng xuất khẩu gạo do thiếu lao động và các vấn đề hậu cần. Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, cũng đã giảm lượng xuất khẩu.

Các quốc gia châu Phi, nơi nhiều người dành hơn một nửa thu nhập của họ cho thực phẩm, là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do sự gián đoạn trong nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu.

Các quốc gia châu Phi là nơi tiêu thụ gạo với mức độ tăng trưởng nhanh nhất, chiếm 35% lượng nhập khẩu toàn thế giới và 30% lượng nhập khẩu lúa mì. Tuy nhiên, khu vực châu Phi Hạ Sahara, khu vực tiêu thụ gạo với lượng lớn, lại có lượng tồn kho ít nhất, do ngân sách chính phủ eo hẹp và việc dự trữ bị hạn chế.

Trong khi các cuộc khủng hoảng lương thực trước đó liên quan đến nguồn cung, thì ngày nay, vấn đề lại là, nguồn cung dồi dào, nhưng những người có nhu cầu đột nhiên mất thu nhập.

“Đây hoàn toàn là một vấn đề khác”, ông Abdolreza Abbassian nói. “Bạn không có lực lượng lao động, bạn không có xe để vận chuyển thực phẩm, và bạn không có tiền để mua chúng”.

Theo Reuters
Hải Lam dịch và biên tập

Bình luận về bài viết này