PHẠM TÂY SƠN (Phạm đình Tuấn)

TỔ QUỐC VIỆT NAM – DANH DỰ – ĐỒNG BÀO TRÊN HẾT Thông tin để khai trí và phát triển.

Sự cai trị của ĐCS Trung cộng …

Sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc  là mong manh hay bền vững?*

Bùi Mẫn Hân  (Minxin Pei) – Thời Đại Mới số 25 tháng 7 năm 2012

Thời Đại Mới dịch

http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai25/201225_BuiManHan.pdf

 

Sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc là mong manh hay bền vững?* (2)

Sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc là mong manh hay bền vững?* (3)

Sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc là mong manh hay bền vững?* (4)

**********************************************************

Sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc là mong manh hay bền vững?* (1)

Sự tiếp tục tồn tại của các chế độ chuyên chế trên thế giới và sự bền vững bề ngoài của những chế độ ấy ở nhiều nước lớn, cụ thể là Trung Quốc và Nga, đã thu hút sự chú ý cao độ của giới học giả trong những năm gần đây.1 Các nhà phân tích đã đưa ra nhiều lý thuyết để giải thích sự thành công và bền bỉ của những chế độ này. Một số lý thuyết nhắm vào khả năng của các lãnh tụ chuyên chế đã rút kinh nghiệm từ những sai lầm (của họ cũng như của những lãnh tụ chuyên chế khác) và theo đó mà thích ứng. Vài lý thuyết khác thì nhắm vào tương quan giữa thu nhập từ tài nguyên thiên nhiên của quốc gia và tuổi thọ của chế độ: mức thu nhập ấy càng cao thì chế độ càng sống lâu. Những lý thuyết khác nữa thì khẳng định rằng khả năng trấn áp của các chế độ chuyên chế là nhân tố chủ yếu cho sự bền bỉ của những chế độ này. Cuối cùng là nhóm lý thuyết chú ý đặc biệt đến khả năng nhà cầm quyền chuyên chế “thể chế hoá”sự cai trị của họ.

Các lý thuyết trên đây có thể cho chúng ta những giải thích về sự sống dai của các chính quyền chuyên chế, nhưng chúng có chung một nhược điểm: tất cả đều tuỳ tiện và quy nạp. Hơn nữa, chúng đều rất dễ là nạn nhân của một cạm bẫy trong phương pháp phân tích, đó là cạm bẫy thường được gọi là “lựa chọn thiên vị”(selection bias) mà nguyên nhân là số quốc gia (chuyên chế hiện nay) mà các nghiên cứu này dựa vào để phân tích là rất nhỏ. Do đó, khi những chế độ chuyên chế từng được xem là vững chắc sụp đổ, vì biểu tình của quần chúng và nổi dậy của đại chúng, thì những lý giải trên cơ sở sự bền vững của các chế độ chuyên chế đó cũng sụp đổ theo. Loạt nổi dậy của quần chúng trong năm 2011 (những cuộc nổi dậy lật đổ các chính quyền chuyên chế ở Tunisia và Ai Cập, khơi mào nội chiến ở Libya, và châm ngòi những cuộc chống đối dai dẳng và đẫm máu ở Syria và Yemen) đã là những bài học làm hổ thẹn những học giả đã từng cho rằng các chế độ ấy là “vững chắc”và “bền vững”.

Về tính bền vững của chuyên chế thì nước Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc nổi bật như một điển hình. Chẳng những Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn sống sót sau mùa xuân đầy giông tố năm 1989, khi hàng triệu người biểu tình khắp nước suýt lật đổ sự cai trị của Đảng, và Đảng đã dập tắt những cuộc biểu tình ở Thiên An Môn – Bắc Kinh bằng bạo lực khủng khiếp, mà từ lúc ấy Đảng lại còn mạnh hơn. Những tinh hoa của giới cai trị hợp lại xung quanh một chiến lược mới: kết nối nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế (chủ yếu là dựa vào xuất khẩu) với chính sách duy trì nền cai trị độc đảng bằng sự đàn áp chính trị khôn ngoan, có lựa chọn. Sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc trong thời kỳ sau Thiên An Môn đã vừa đem lại tính chính danh cho ĐCSTQ đối với đông đảo quần chúng, vừa tạo thêm nguồn lực cho Đảng để bảo vệ độc quyền chính trị của họ. ĐCSTQ đã cho thấy rằng họ có một chiến thuật khá tinh tế, một biệt tài thích ứng, và khả năng thực hiện sự kiểm soát của họ. Họ đã thành công trong việc gìn giữ đoàn kết trong hàng ngũ cán bộ ưu tú, chống lại làn sóng dân chủ hoá trên thế giới, và ngăn ngừa khả năng mà cuộc cách mạng công nghệ thông tin và viễn thông có thể ngầm làm lỏng lẻo bàn tay nắm chặt dòng thông tin của Đảng. Đảng cũng đã khôn khéo vận dụng tinh thần yêu nước để tăng sự ủng hộ của giới trẻ và giới có học, đánh bật mọi hình thức chống đối có tổ chức, và ngăn chặn những xáo trộn xã hội bằng cách sử dụng “củ cà rốt”lẫn “cây gậy”.

Khả năng ĐCSTQ củng cố sự thống trị chuyên chế ngay trong khi làn sóng dân chủ lan toả khắp thế giới sau 1989 đặt ra nhiều câu hỏi hệ trọng. Trường hợp Trung Quốc là minh chứng cho lý thuyết nào về sự bền vững của chế độ chuyên chế mà các học giả nghiên cứu về vấn đề

này cho các quốc gia khác đã đề xuất? Phải giải thích thế nào về sự bền vững của chế độ chuyên chế ở Trung Quốc, và đâu là bằng chứng cho các giải thích ấy? Những giải thích này có “mạnh”về mặt lý thuyết không? Sự vững vàng của chế độ chuyên chế ở Trung Quốc là hện tượng nhất thời, hay một sự bền bỉ?

                 Giải thích sự dễ phục hồi của chuyên chế

Những lý thuyết về sự sống sót của chuyên chế đều có chung một đặc điểm: Chúng đảo ngược những lý thuyết về sự biến đổi của chế độ dân chủ. Nói rõ hơn: trong lúc những lý thuyết về tiến trình dân chủ hoá là nhằm phát hiện những yếu tố thuận lợi cho tiến trình ấy, thì những lý thuyết về sự sống sót của các chế độ toàn trị là nhằm chỉ ra sự thiếu vắng của chính những yếu tố này, hoặc là nhận diện sự có mặt của những yếu tố bất lợi cho tiến trình dân chủ hoá. Trong số những lý giải hiện hữu, ba nhóm sau đây là nổi bật.

Nhóm lý giải thứ nhất chú trọng đến phương diện kinh tế chính trị (political economy). Nói chung, chế độ chuyên chế nào mà dựa vào sự dồi dào tài nguyên thiên nhiên2 của nước họ thì chế độ ấy có khuynh hướng bền bỉ hơn. Những chế độ như thế có thể “mua chuộc”người dân bằng cách chi tiêu rộng rãi cho các chương trình an sinh và đánh thuế thấp. Các nguồn lợi từ tài nguyên còn cho phép nhà cầm quyền tránh né trách nhiệm chính trị, và chi tiêu cho một bộ máy trấn áp hùng hậu. Những chế độ chuyên chế có trong tay các nguồn lực kinh tế đáng kể, ví dụ như doanh nghiệp nhà nước, cũng có khả năng sống sót lớn hơn, bởi lẽ sự kiểm soát ấy cho phép tập đoàn cai trị dùng hệ thống ban phát lợi quyền để giữ những người ủng hộ trung thành với họ, và khẳng định ảnh hưởng của tập đoàn cai trị ấy đối với nền kinh tế.

Nhóm lý giải thứ hai về sự bền vững của chuyên chế nhắm vào khả năng đáp ứng của chế độ đối với những thách thức mới về xã hội và chính trị. Ví dụ, một số chế độ chuyên chế đã xoay sở để không mất quyền lực bằng cách thao túng bầu cử. Chế độ một đảng nắm quyền lâu năm ở Malaysia và Singapore là nổi bật về mức độ tinh xảo của cơ cấu chính trị của họ. Trong 71 năm cầm quyền, Đảng Cách mạng Thể chế của Mexico (Partido Revolucionario Institucional, PRI) thường được xem là một “nền độc tài hoàn hảo”, mà đặc điểm là những thể chế chính trị rất phát triển và một quy trình thay thế lãnh đạo có trật tự, được sự ủng hộ của dân chúng.3 Một cách thích ứng của các chế độ chuyên chế bền vững là có những chính sách khác nhau đối với những loại “hàng hoá công”(public goods) do nhà nước cung cấp. Điển hình, những chế độ chuyên chế tinh xảo thì tập trung vào những hàng hoá công có khả năng nâng cao mức sống của dân chúng, chẳng hạn như tăng trưởng kinh tế,4 song hạn chế gắt gao những “hàng hoá phối hợp”(coordination goods), ví dụ như thông tin và hiệp hội, nhằm kìm hãm khả năng tổ chức của phe đối lập. 5

Nhóm lý giải thứ ba chú trọng đến cán cân quyền lực giữa nhà cầm quyền và phe đối lập. Điều ngạc nhiên là, bất chấp tầm quan trọng hiển nhiên, vai trò của trấn áp trong sự sống còn của các chế độ chuyên chế lại ít được chú ý. Thế nhưng, một cách giải thích đơn giản và thuyết phục cho sự sống dai của các chế độ chuyên chế là: các chế độ này có chuẩn bị, không ngần ngại, và có khả năng vận dụng quyền lực áp bức cần thiết để đập tan mọi thách thức từ xã hội. Hơn bất cứ điều gì khác, chính sự đàn áp có hiệu quả đã giúp các chế độ chuyên chế ở Trung Đông tồn tại.6 Chừng nào mà cán cân quyền lực còn nghiêng về phía nhà cầm quyền chuyên chế thì sự sống sót của chế độ ấy còn được bảo đảm bởi trấn áp. Dĩ nhiên, nếu quân đội từ chối ủng hộ, như đã xảy ra ở Tunisia và Ai Cập đầu năm 2011, thì cán cân quyền lực sẽ thay đổi một cách có tính quyết định, và chế độ sẽ đến ngày tàn.

Trong trường hợp Trung Quốc, những thảo luận về sự bền vững của chế độ chuyên chế đã xoay quanh ba chủ đề: sự thể chế hoá chế độ, sự học hỏi và thích ứng về mặt tổ chức, và khả năng tổ chức và hành chính.

(a) Theo nhiều nhà phân tích, sự thể chế hoá chế độ ̶ quy trình theo đó những thông lệ và quy luật quan trọng của “trò chơi”được lập ra và thực hiện –là yếu tố chính yếu cho sự bền bỉ của sự cai trị của ĐCSTQ. Theo các học giả này, từ năm 1989 ĐCSTQ đã hoàn chỉnh một cách đáng kể những quy trình về cách thức lãnh đạo truyền nhiệm, đã xác định trách nhiệm chức năng, và thăng thưởng những thành phần ưu tú dựa trên năng lực của họ. Theo Andrew Nathan thì những biện pháp này, và nhiều biện pháp khác, đã nâng cao rõ rệt mức độ thể chế hoá trong nội bộ ĐCSTQ, cho phép Đảng tiếp tục tồn tại và thành công.7 Còn theo quan điểm của Steve Tsang thì chế độ hậu Thiên An Môn đã biến dạng thành một loại hình mới của “nếp cai trị Lê-nin-nít”, mà so với chủ nghĩa Lênin trước đây thì loại hình này khác rõ rệt và có nhiều khả năng bền vững hơn. Tsang cho rằng sự biến dạng ấy đã được ĐCSTQ thực hiện bằng cách theo đuổi một loạt chính sách để duy trì sự sống còn của họ, các chính sách này đặt trọng tâm ở những cải tổ lề lối cai trị (để công chúng không đòi hỏi dân chủ hoá), khả năng lớn hơn để đáp ứng với công luận, những cách quản lý kinh tế thực tiển (theo đó, những yếu tố về ý thức hệ xã hội chủ nghĩa trở thành thứ yếu, nhu cầu tăng trưởng là ưu tiên), và khích động tinh thần yêu nước. Tsang gọi dó là “chủ nghĩa Lê-nin tham vấn”(consultative Leninism).8

(b) Những học giả nhấn mạnh yếu tố thứ hai –sự học hỏi và thích ứng về mặt tổ chức –thì cho rằng động lực của giai tầng tinh hoa trong chế độ chuyên chế chính là ước muốn sống sót của họ. Họ có thể rút ra nhiều bài học hữu ích từ sự suy tàn hoặc sụp đổ của những người như họ ở những nơi khác trên thế giới. Nhờ đó, một nhà nước chuyên chế có thể áp dụng những chính sách mới để kéo dài tuổi thọ và quyền lực của chế độ. Theo David Shambaugh, sự sụp đổ của Liên Xô đã dạy cho ĐCSTQ nhiều bài học, giúp Đảng này đưa vào sử dụng những chính sách đáp ứng hữu hiệu đối với những thử thách sau Chiến tranh Lạnh trong nước cũng như đối ngoại.9

(c) Lý giải thứ ba thì nhấn mạnh rằng, so với những chế độ chuyên chế khác ở các nước đang phát triển, khả năng tổ chức và hành chính của Trung Quốc là hơn hẳn. Từ năm 1989, ĐCSTQ đã có thêm nhiều biện pháp để tăng cường khả năng của nhà nước Trung Quốc trong việc thu ngân sách và bảo đảm thực thi các biện pháp điều tiết. Bằng cách bồi đắp năng lực của nhà nước như thế, ĐCSTQ đã tự làm cho họ bền vững hơn.10

Những giải thích trên đây về sự bền bỉ của chế độ Trung Quốc để lại nhiều câu hỏi quan trọng không có câu trả lời. Ví dụ, sự tồn tại lâu dài của một chế độ có là đồng nghĩa với sự bền vững của chế độ ấy không? Các học giả nghiên cứu về sự bền vững của chế độ cai trị chuyên chế ở Trung Quốc ít khi phân biệt hai ý niệm này. Song, một chế độ hiện tồn tại không nhất thiết có nghĩa là chế độ ấy bền vững; sống sót là một sự thực khách quan, còn sự bền vững là một ý niệm chủ quan. Do đó, những chế độ chuyên chế còn sống sót không nhất thiết là những chế độ có tính bền vững.

 

_______________________________________________________________

* Phỏng dịch bài “Is CCP Rule Fragile or Resilient?”của Minxin Pei, đăng trên tạp chí Journal of Democracy, số tháng 1 năm 2012, tr. 27-41. Một chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc và Châu Á, giáo sư Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) hiện là giám đốc của Keck Center for International and Strategic Studies ở Claremont McKenna College (bang California, Mỹ). Năm 2008, ông được tạp chí Prospect bầu chọn là một trong 100 “trí thức công”có nhiều ảnh hưởng nhất thế giới.

1 Xem chẳng hạn như Olga Krystanovskaya và Stephen White, “The Sovietization of Russian Politics,”Post-Soviet Affairs, 25 (tháng 10, 2009): 283–309; Andrew Nathan, “China’s Changing of the Guard: Authoritarian Resilience,”Journal of Democracy 14 (tháng 1, 2003): 6–17; Marsha Pripstein Posusney, “Enduring Authoritarianism: Middle East Lessons for Contemporary Theory,”Comparative Politics 36 (tháng 1, 2004): 127–38; Eva Bellin, “The Robustness of Authoritarianism in the Middle East: Exceptionalism in Comparative Perspective,”Comparative Politics 36 (tháng 1, 2004): 139–57; Jason Brownlee, “Low Tide after the Third Wave: Exploring Politics under Authoritarianism,”Comparative Politics 34 (tháng 7, 2002): 477–98; Bruce Bueno de Mesquita và Alastair Smith, “Political Survival and Endogenous Institutional Change,”Comparative Political Studies 42 (tháng 2, 2009): 167– 97.

2 Chú thích của người dịch: Hãy nghĩ đến tiểu vương quốc Á Rập đầy dầu hoả ở Trung Đông.

3 Chappell Lawson, “Mexico’s Unfinished Transition: Democratization and Authoritarian Enclaves in Mexico,”Mexican Studies 16 (Mùa hè 2000): 267-87.

4 Chú thích của người dịch: Cụ thể là giao thông vận tải, y tế, giáo dục cơ sở…

5 Bruce Bueno de Mesquita và George W. Downs, “Development and Democracy, “Foreign Affairs 84 (September-October 2005): 77-86. Chú thích của người dịch: Mesquita và Downs định nghĩa “hàng hoá phối hợp” (coordination goods) là loại hàng hoá (ví dụ như thông tin) có tác dụng làm dễ dàng sự thành lập các tổ chức, hội đoàn.

6 Xem Bellin, “Robustness of Authoritarianism in the Middle East”, và Louay Abdulbaki, “Democracy and the Re-Consolidation of Authoritarianism Rule in Egypt, “Contemporary Arab Affairs 1 (tháng 7 2008): 445-63.

7 Nathan, “Authoritanian Resilience”

8 Steve Tsang, “Consultative Leninism: China’s New Poltical Framework,” Journal of Contemporary China 18 (tháng 11 2009): 865-80.

9 David Shambaugh, China’s Communist Party: Atrophy and Adaptation (Berkeley: University of California Press, 2008)

10 Dali Yang, Remaking the Chinese Leviathan: Market Transition and the Politics of Governance in China (Stanford: Stanford University Press, 2004).

Bình luận về bài viết này