PHẠM TÂY SƠN (Phạm đình Tuấn)

TỔ QUỐC VIỆT NAM – DANH DỰ – ĐỒNG BÀO TRÊN HẾT Thông tin để khai trí và phát triển.

-Nga xâm lược Ukraina: Trung Quốc tiếp tục đặt cược ‘‘cả hai cửa’’, Mỹ theo dõi sát

Posted by phamtayson trên 26/05/2024


RFI

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) ôm chào tạm biệt, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/05/2024. © ảnh chụp màn hình via REUTERS – video Sputnik / Mikhail Metzel

Thượng đỉnh Putin – Tập Cận Bình tổ chức rầm rộ tại Bắc Kinh trung tuần tháng 5/2024 đúng vào lúc bom đạn dữ dội tại miền đông bắc Ukraina. Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức nhậm chức ngày 20/05/2024. Đối diện với tân lãnh đạo hòn đảo dân chủ kiên quyết khẳng định nền độc lập trên thực tế, Bắc Kinh đe dọa chiến tranh. Căng thẳng gia tăng với Đài Bắc nhưng Bắc Kinh tìm cách hòa dịu với Seoul và Tokyo. Ba bên thống nhất tổ chức thượng đỉnh, lần đầu tiên từ năm 2019.

Bạo loạn bùng lên tại vùng lãnh thổ hải ngoại Nouvelle – Calédonie của Pháp ở Thái Bình Dương. Tổng thống Pháp bất ngờ đến quần đảo tìm giải pháp. Liên hoan phim Cannes nồng nhiệt chào đón bộ phim ‘‘Những hạt giống của cây vả dại’’ và đạo diễn Iran vượt biên đến dự Festival. Bộ phim chân thật và tinh tế phơi bày những xung đột, giằng xé, biến động dữ dội trong lòng xã hội Iran dưới sự cai trị của thần quyền Hồi giáo, được nhiều báo Pháp xem như xứng đáng với giải thưởng Cành Cọ Vàng. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

Trắc nghiệm về áp lực phương Tây với ”tình hữu nghị không giới hạn” Trung – Nga

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tổng thống Nga từ khi tái nhậm chức diễn ra cùng lúc với cuộc tấn công chưa từng có của 30.000 quân Nga tại vùng biên giới tỉnh Kharkiv, đợt tấn công lớn nhất nhắm vào đông bắc Ukraina kể từ đầu mùa hè 2022. Chuyến đi, diễn ra chỉ ít ngày sau chuyến thăm Pháp của lãnh đạo Trung Quốc, được coi là một trắc nghiệm với phương Tây về ‘‘tình hữu nghị không giới hạn’’ Trung – Nga. Liệu áp lực và đe dọa, kêu gọi và khuyến khích mới đây từ phía Hoa Kỳ và các đồng minh, đặc biệt là Pháp, có khiến Bắc Kinh hãm phanh các hỗ trợ cho Matxcơva trong cuộc xâm lăng Ukraina ?

Bị tố cáo hậu thuẫn Nga xâm lược, Bắc Kinh một lần nữa cùng Matxcơva trút lỗi cho phương Tây đổ thêm dầu vào lửa chiến tranh. Từ Matxcơva, trong ngày đầu tiên của thượng đỉnh, thông tín viên Anissa el-Jabri ghi nhận không khí Nga – Trung đoàn kết cao độ:

Đây không phải là một lời buộc tội trực tiếp, mà là một kiểu diễn đạt nửa chừng nhưng đủ để khiến người nghe có thể hiểu rõ ý nghĩa đằng sau. Rõ ràng là, trong thông cáo báo chí chung, lãnh đạo hai nước đã ngầm đặt trách nhiệm lên vai phương Tây. Bắc Kinh và Matxcơvacho rằng cần tránh bất kỳ quyết định nào có khả năng ‘‘góp phần kéo dài tình trạng thù địch và làm xung đột tiếp tục leo thang’’. Chúng ta thấy, quan điểm nói trên rất gần với cách nhìn của điện Kremlin. Matxcơva liên tục nhắc lại cáo buộc, việc vận chuyển vũ khí từ phương Tây đến Ukraina là nguyên nhân khiến chiến tranh kéo dài.

Vào buổi trưa, tổng thống Nga Putin tươi cười tuyên bố: ‘‘Tôi cảm thấy ở đây như ở nhà’’ trong tiếng vỗ tay của toàn thể hội trường và người đồng cấp. Trên thực tế, sự ủng hộ mạnh mẽ của Bắc Kinh không chỉ bằng lời. Chúng ta biết Trung Quốc rất nhạy cảm trước các áp lực của phương Tây, cụ thể là gần đây, các giao dịch của các ngân hàng Trung Quốc với Nga hoặc bị gián đoạn, hoặc bị làm chậm. Trong khi đó, trong thông cáo báo chí chung, Matxcơva và Bắc Kinh tuyên bố ‘‘sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng tài chính để đảm bảo việc thanh toán diễn ra liên tục’’. Cuối cùng thì rõ ràng đã có nhiều thứ diễn ra trong hậu trường và sự hiện diện đông đảo của các quan chức quân sự cấp cao hai bên.’’

Tập Cận Bình và Putin ‘‘ôm chào tạm biệt’’: ‘‘Cơn ác mộng’’ với phương Tây ?

Cử chỉ ‘‘ôm chào’’ tạm biệt của Tập Cận Bình và Putin sau cuộc đi dạo tại khu dinh thự của giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc hôm 16/05, được nhiều nhà quan sát coi như một dấu hiệu mới chứng tỏ quan hệ Trung – Nga nồng ấm hơn hẳn. Theo chiến lược gia về chính sách đối ngoại Mỹ Michael Pillsbury, cựu cố vấn về Trung Quốc của Donald Trump, trong cuộc trả lời phỏng vấn Fox News hôm 18/05, đăng tải một ngày sau chuyến công du của ông Putin, cuộc xâm lăng Ukraina của Nga đang khiến Bắc Kinh và Matxcơva nâng quan hệ lên mức chưa từng có. Đối với Pillsbury, đây ‘‘hoàn toàn không phải là một hành xử quen thuộc’’ của Tập Cận Bình. Việc hai lãnh đạo Nga – Trung tỏ rõ sự thân mật như vậy là ‘‘một ác mộng về mặt chiến lược’’ (strategic nightmare) đối với phương Tây.

Nhà Trắng tỏ ra điềm tĩnh. Hôm 17/05, trả lời câu hỏi của báo giới về hành động này, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby, tỏ vẻ hài hước: ‘‘Họ ôm chào nhau ư ? Thật tuyệt cho họ !’’. John Kirby nói thêm: ‘‘Hãy để cho hai quý ông ấy giải thích lý do vì sao họ nghĩ ôm nhau lại là điều tốt”. Về chuyến công du của lãnh đạo Nga, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết Washington chưa thấy Trung Quốc ‘‘tăng tốc” hỗ trợ quân đội Nga và ‘‘chưa có gì gây bất ngờ’’ từ cuộc gặp Putin – Tập. Đối với Hoa Kỳ, Bắc Kinh chưa vượt ‘‘lằn ranh đỏ’’ cung cấp vũ khí cho Nga. Tuy nhiên điều đó hoàn toàn không có nghĩa là Mỹ không lo ngại. Kirby nhấn mạnh Hoa Kỳ ‘‘đang tiếp tục theo dõi’’.

Tập Cận Bình ‘‘sẽ không để bị cột chặt vào một thây ma’’

Trong khi đó, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, Vedant Patel, trực diện hơn khi nhấn mạnh: Trung Quốc không thể tiếp tục ‘‘bắt cá hai tay’’ (nguyên văn là ‘‘vừa giữ được bánh lại vừa được ăn bánh’’), vừa ‘‘muốn có quan hệ tốt hơn với châu Âu’’ nhưng lại ‘‘tiếp tục góp phần vào mối đe dọa lớn nhất với an ninh châu Âu trong một thời gian dài’’.

Hơn hai năm kể từ đầu cuộc chiến tranh, theo nhiều nhà giới quan sát, trong cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina, Trung Quốc tiếp tục chính sách đặt cược ở ‘‘cả hai cửa’’, hỗ trợ Nga trong khả năng, đồng thời duy trì quan hệ với phương Tây. Theo bà Natasha Kuhrt, chuyên gia về Nga và an ninh lục địa Âu – Á, Trường King’s College Luân Đôn, nếu Nga thắng, Bắc Kinh sẽ đề nghị được tham gia tái thiết Ukraina, nếu Nga có xu hướng thua, Tập Cận Bình sẽ tìm cách giữ khoảng cách với chế độ Putin ‘‘để không bị cột chặt với một thây ma’’ (shackled to corpse).

Trong nội bộ Trung Quốc gần đây có một tín hiệu đáng chú ý, từ phía giới chuyên gia Trung Quốc, trái ngược với quan điểm chính thống. Ông Phùng Ngọc Quân (Fung Yu-jun), một chuyên gia hàng đầu về Nga, trong bài trả lời phỏng vấn The Economist trung tuần tháng 4/2024, một mặt khẳng định Bắc Kinh thành thật trong mục tiêu tìm giải pháp hòa bình cho Ukraina, mặt khác dự đoán chiến tranh Ukraina khiến quan hệ Trung – Nga căng thẳng và ‘‘Nga không tránh khỏi thất bại’’.

Đón Putin rầm rộ, dữ dội với Đài Loan, chìa tay với Nhật – Hàn

Ít ngày sau chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Nga, tân tổng thống Đài Loan chính thức nhậm chức ngày 20/05. Điều dường như gây bất ngờ với không ít người là Bắc Kinh ngay lập tức tổ chức cuộc tập trận bao vây đảo quy mô lớn kéo dài hai ngày, để chuẩn bị cho cuộc tấn công đảo, với sáu địa điểm rải rác xung quanh Đài Loan, nơi gần nhất chỉ cách 50 km. Cuộc tập trận được đánh giá là quy mô lớn hơn cả lần đầu, mùa hè năm 2022. Tuy nhiên, kể từ giờ, phản ứng dữ dội như trên của Trung Quốc dường như đã trở thành điều bình thường.

Đối với Bắc Kinh, thái độ khẳng định chế độ dân chủ và nền độc lập trên thực tế của Đài Loan khiến đối thoại giữa hai bờ eo biển trở thành điều bất khả. Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

‘‘Giống như với lễ nhậm chức của bà Thái Anh Văn năm 2016, 5 giờ sau Trung Quốc ra thông cáo báo chí lên án bài phát biểu của tân tổng thống Lại Thanh Đức. Ngôn ngữ được dùng cũng tương tự như trước.Văn phòng Sự vụ Đài Loan khẳng định tân tổng thống Đài Loan đã bộc lộ “bản chất thật”  khi ‘‘ngoan cố duy trì lập trường Đài Loan độc lập”, “dựa vào các thế lực bên ngoài”.

Đây là một cơ hội làm nổi bật “lằn ranh đỏ” mà nhà cầm quyền Trung Quốc đưa ra mỗi khi tiếp đón một lãnh đạo nước ngoài tại Bắc Kinh. Thông báo của Văn phòng Sự vụ Đài Loan nhấn mạnh Bắc Kinh ‘‘sẽ không bao giờ dung thứ bất kỳ hình thức hoạt động ly khai nào liên quan đến độc lập cho Đài Loan”. Buổi chiều cùng ngày, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định : “Độc lập là một ngõ cụt”. Đây là một cách để từ chối mở lại đối thoại với Đài Bắc, cuộc đối thoại đã bị Trung Quốc cắt đứt kể từ khi đảng Dân Tiến Đài Loan trở lại nắm quyền.’’

Căng thẳng cao độ với Đài Loan tương phản hoàn toàn với chủ trương mở lại đối thoại cấp thượng đỉnh thường niên của Trung Quốc với hai láng giềng Đông Bắc Á, bị đình chỉ từ năm 2019. Theo chuyên gia Hàn Quốc Kang Jun-young, sở dĩ Bắc Kinh đổi ý kể từ cuối năm 2023 là do hiểu rằng nếu duy trì quan hệ căng thẳng với Hàn, Nhật, sẽ càng đẩy Seoul và Tokyo về phía Hoa Kỳ.

Nỗ lực của Bắc Kinh kéo Hàn Quốc, được coi là ‘‘mắt xích yếu’’, rời xa Hoa Kỳ, bất thành. Tình hình càng thêm rõ sau thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn tại trại David, tháng 8/2023, khi ba quốc gia đồng minh siết chặt hợp tác an ninh và kinh tế. Tuy nhiên, theo báo Nhật Nikkei Asia, Bắc Kinh đã cố trì hoãn dịp thượng đỉnh đến cuối tháng 5, sau cuộc bầu cử Quốc Hội Hàn Quốc và sau lễ nhậm chức của tổng thống Đài Loan. Mục tiêu là một mặt không để tổng thống Hàn Quốc sử dụng thượng đỉnh giành lợi thế trong cuộc tranh cử Quốc Hội, và mặt khác, để nhắc nhở Seoul và Tokyo không được xem nhẹ lập trường cứng rắn của Bắc Kinh với Đài Loan.

Bạo động Nouvelle – Calédonie: Chuyến đi bất ngờ của tổng thống Macron

Bạo động bùng lên tại vùng lãnh thổ hải ngoại Nouvelle-Calédonie thuộc Pháp đêm 13 qua ngày 14/05, ngay sau khi Hạ Viện thông qua dự luật cải tổ Hiến pháp để mở rộng thành phần cử tri trong các bầu cử địa phương. Phe đòi độc lập cho Nouvelle – Calédonie xem đây là mưu toan của chính quyền nhằm đơn phương xé bỏ thỏa thuận 1988. Paris phải điều quân đội và hiến binh để duy trì trật tự. Bạo động tiếp diễn bất chấp thiết quân luật. Ít nhất 7 người thiệt mạng. Ngày 23/05, tổng thống Emmanuel Macron bất ngờ đến quần đảo.

Từ Nouméa, thủ phủ Nouvelle – Calédonie, thông tín viên Charlotte Mannevy cho biết đông đảo dân chúng mong đợi tổng thống Macron tìm ra giải pháp tránh cho vùng lãnh thổ rơi vào ‘‘nội chiến’’:

‘‘Tổng thống Macron được trông đợi tại đây như một đấng cứu thế trong lúc tình hình vẫn chưa được bình ổn. Đêm vừa qua, nhiều doanh nghiệp bị phóng hỏa, đụng độ với cảnh sát tiếp tục diễn ra tại thủ phủ Nouméa, cũng như tại các vùng ngoại vi, như Dambea và Mont d’or. Nếu như nhìn chung tình hình đã lắng dịu theo các đại diện chính quyền, việc di chuyển vẫn còn rất khó khăn. Nhiều khu phố vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các phần tử bạo động. Nhiều người ở đây hy vọng là việc tổng thống Macron đến đây sẽ ngay lập tức giúp cho các bên ngồi vào bàn đàm phán.

Tình hình là cấp thiết, bởi sau 10 ngày bạo động, thủ phủ Nouvelle-Calédonie kiệt quệ, việc tiếp cận với các mặt hàng nhu yếu phẩm vẫn chưa được nối lại như bình thường. Thực phẩm và xăng dầu khan hiếm, bất chấp các nỗ lực của chính quyền. Thêm vào đó là cuộc tấn công tin tặc quy mô chưa từng có, bùng lên ngay sau thông báo về chuyến đi của tổng thống Macron. Cuộc tấn công suýt nữa làm tê liệt hệ thống internet địa phương. Tình hình hiện tại  đã nằm trong tầm kiểm soát. Cần phải chặn đứng xu thế này, nhưng vấn đề là bằng cách nào ? Hiện tại không ai nắm chìa khóa trong tay. Như vậy, mọi hy vọng hiện tại được đặt vào tổng thống Macron.’’

Cannes: ‘‘Những hạt giống của cây vả dại’’, ứng cử viên hàng đầu Cành Cọ Vàng

Tại Liên hoan Cannes năm nay, tranh giải Cành cọ vàng có một bộ phim đặc biệt : Những hạt giống của cây vả dại, của Mohammad Rasoulof. Hôm qua, 23/05, ban giám khảo và công chúng có mặt đã nhiệt liệt chào mừng đạo diễn nổi tiếng người Iran, người đã quyết định trốn khỏi đất nước để đến với Cannes.

Phim Những hạt giống của cây vả dại kể về một giáo sĩ, được phong chức thẩm phán “tòa án cách mạng” Teheran đúng vào lúc phong trào phản kháng bùng lên khắp cả nước. Viên thẩm phán đối mặt với sự phi lý và bất công cùng cực của chế độ chính trị Iran. Hiểu ra được điều này, nhưng viên chức mẫn cán không thay đổi. Mâu thuẫn bùng lên trong chính gia đình ông ta, khi hai người con gái, là sinh viên, tuyên bố ủng hộ phong trào, còn người vợ tìm cách giải hòa.

Đạo diễn Iran Mohammad Rasoulof tại Liên hoan phim Cannes, giương ảnh hai diễn viên chính trong phim, Missagh Zareh (trong vai giáo sĩ) và Soheila Golestani (người vợ). Ngày 24/05/2024. Scott A Garfitt/Invision/AP – Scott A Garfitt

‘‘Những hạt giống của cây vả dại’’ sử dụng các hình ảnh thật từ phong trào bùng lên tại Iran cuối năm 2022 sau cái chết của một thiếu nữ trong đồn cảnh sát, chỉ vì ‘‘tội’’ không mang khăn trùm như quy định của chế độ thần quyền tại quốc gia này.Nhưng phim của Mohammad Rasoulof trước hết nói về những xung đột trong nội bộ gia đình của thành phần cốt cán của chế độ Hồi giáo.

Nhân vật trung tâm trong phim, người cha gia đình, thành phần trụ cột của chế độ, không chấp nhận nhìn thẳng vào sự thực để tự chuyển hóa, mà tìm cách duy trì quyền lực đến cùng, cho đến khi rơi vào điên loạn. Những hạt giống của cây vả dại, tên gọi đầy tính ẩn dụ của bộ phim, gợi cảm hứng qua cuộc truy tìm tự do và giải thoát. Bộ phim không khoan nhượng, phơi bày sự thực đến đường tơ kẽ tóc mang lại hy vọng.

Bình luận về bài viết này