PHẠM TÂY SƠN (Phạm đình Tuấn)

TỔ QUỐC VIỆT NAM – DANH DỰ – ĐỒNG BÀO TRÊN HẾT Thông tin để khai trí và phát triển.

-Các dấu hiệu của sự gián đoạn trong mối quan hệ kinh tế Nga – Trung dưới sức ép từ phương Tây

Posted by phamtayson trên 19/06/2024


NTD

B. Zhao S. Tseng 14:21, 19/06/24

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham quan hội chợ thương mại Nga – Trung tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, ở đông bắc Trung Quốc, vào ngày 17/5/2024. (Ảnh: Mikhail Metzel / POOL / AFP qua Getty Images)

Với lịch sử ngờ vực lẫn nhau và sức ép mạnh mẽ từ Mỹ và Châu Âu, mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đang có các dấu hiệu bị gián đoạn.

Những diễn biến gần đây cho thấy mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Nga đang gặp phải căng thẳng đáng kể. Một thỏa thuận đường ống dẫn khí đốt tự nhiên quan trọng giữa hai quốc gia dường như đã bị đình trệ và Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã dừng xử lý các khoản thanh toán của Nga bằng đồng CNY (nhân dân tệ). Trong khi đó, Alibaba đã ngừng chấp nhận thanh toán bằng đồng RUB (đồng rúp Nga) hoặc cung cấp hàng hóa cho Nga. Các nhà phân tích cho biết, những điều này xảy ra chỉ 20 ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Bắc Kinh, giáng một đòn mạnh vào các kế hoạch chiến lược của ông này.

Dấu hiệu căng thẳng đã rõ ràng trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Putin vào tháng trước. Có một khoảnh khắc do dự rõ ràng từ ông Putin trước khi ông chấp nhận cái ôm của người lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, một khoảnh khắc được các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới nhấn mạnh và đưa tin rộng rãi, cho thấy rằng chuyến thăm Bắc Kinh của ông Putin có thể đã không diễn ra tốt đẹp như kế hoạch. Hơn nữa, một tuyên bố chung được những người lãnh đạo Nga và Trung Quốc ký trong chuyến thăm đã bỏ qua bất kỳ việc đề cập nào đến mối quan hệ đối tác “không giới hạn” được quảng bá rất nhiều của hai nước.

Các nhà phân tích đã lưu ý rằng Trung Quốc và Nga trong lịch sử đã phải đối mặt với những thách thức trong việc duy trì lòng tin đối với nhau, và hai nước thường phải đối mặt với căng thẳng trong mối liên minh. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh có thể xem xét lại liên minh với Nga trước áp lực từ Châu Âu và Hoa Kỳ.

Vào ngày 12/6, Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với hơn 300 thực thể và cá nhân của Nga, bao gồm hơn 20 đối tượng ở Trung Quốc, nhằm mục đích tăng cường áp lực lên nền kinh tế chiến tranh của Nga trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

Kể từ năm ngoái, Washington đã tăng cường tập trung vào các tổ chức tài chính ở các nước thứ ba, vốn hỗ trợ Nga trốn tránh lệnh các lệnh trừng phạt. Trước xu hướng này, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, tổ chức cho vay lớn nhất của nước này, gần đây đã từ chối xử lý các giao dịch của Nga bằng đồng CNY. Người ta ước tính rằng 80% các dịch vụ thanh toán đã bị tạm dừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động mua sắm vật liệu điện tử của Nga và giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế thời chiến của nước này.

Một doanh nhân Trung Quốc, trao đổi với điều kiện giấu tên, tiết lộ với The Epoch Times rằng ông đã mua năng lượng và nguyên liệu thô từ Nga trong 2 đến 3 năm qua. Tuy nhiên, khoảng một tháng trước, ông đã nhận được lệnh trong nước cấm mua sắm từ Nga vì nhiều giao dịch không còn có thể thanh toán thông qua ngân hàng. Do đó, các hoạt động kinh doanh hiện tại đã được chuyển hướng sang các nước khác.

Vào ngày 29/5, trong chuyến thăm Brussels, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell đã nhấn mạnh tính cấp thiết đối với các nước Châu Âu và NATO “trong việc gửi một thông điệp chung bày tỏ mối quan ngại tới Trung Quốc về các hành động của nước này, mà chúng tôi cho là đang gây bất ổn tại trung tâm Châu Âu”.

“Những gì chúng ta thấy đang từ Trung Quốc hướng đến Nga không phải là hành động đơn lẻ hay một vài công ty bất hảo tham gia hỗ trợ Nga”, ông Campbell cho biết. “Đây là một nỗ lực toàn diện, bền bỉ được ủng hộ bởi giới lãnh đạo Trung Quốc, vốn được thiết kế để cung cấp cho Nga mọi sự hỗ trợ ở đằng sau hậu trường”.

Mỹ mở rộng trừng phạt Nga

Hoa Kỳ đã công bố một loạt lệnh trừng phạt mới đối với Nga vào ngày 12/6, nhắm vào hơn 300 thực thể và cá nhân, bao gồm hơn hai chục đối tượng có trụ sở tại Trung Quốc, chỉ một ngày trước khi các nhà lãnh đạo G7 chuẩn bị họp tại Ý để thảo luận về các chiến lược nhằm kìm hãm nền kinh tế chiến tranh đang phát triển mạnh mẽ của Nga trong bối cảnh xung đột đang diễn ra với Ukraine.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố những lệnh trừng phạt này, nhấn mạnh ý định tăng cường đòn trừng phạt đối với các tổ chức tài chính nước ngoài tham gia vào nền kinh tế chiến tranh của Nga. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố, “[Các biện pháp] sẽ làm tăng rủi ro mà các tổ chức tài chính nước ngoài phải gánh chịu khi giao dịch với nền kinh tế chiến tranh của Nga”.

Khi ở trên Không lực Một (máy bay riêng của Tổng thống Mỹ), ông Sullivan nói với các phóng viên, “[Bộ Tài chính] đang nói rõ rằng các ngân hàng nước ngoài có nguy cơ bị trừng phạt vì giao dịch với bất kỳ thực thể hoặc cá nhân nào bị cấm theo lệnh trừng phạt của chúng tôi đối với Nga, bao gồm cả các ngân hàng Nga được chỉ định”.

Ngoài ra, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ chuẩn bị triển khai “các lệnh cấm bổ sung” nhằm cản trở Nga tiếp cận những phần mềm và dịch vụ CNTT cụ thể của Hoa Kỳ. Hơn nữa, Bộ Thương mại sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc phân phối hàng hóa mang nhãn hiệu Hoa Kỳ, bất kể địa điểm sản xuất của chúng.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã nêu rõ các mục tiêu của chiến lược, tuyên bố rằng, “Chúng tôi đang gia tăng rủi ro cho các tổ chức tài chính giao dịch với nền kinh tế chiến tranh của Nga và loại bỏ các con đường trốn tránh, đồng thời làm giảm khả năng Nga có thể hưởng lợi từ việc tiếp cận các công nghệ, thiết bị, phần mềm và dịch vụ CNTT của nước ngoài”.

Đáng chú ý, hơn 20 chục trong số 300 thực thể và cá nhân mới bị trừng phạt này nằm ở Trung Quốc.

Các dấu hiệu của sự gián đoạn trong mối quan hệ kinh tế Nga - Trung dưới sức ép từ phương Tây

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trả lời các câu hỏi trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 13/5/2024. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Nhắm đến tương tác thương mại Nga – Trung

Vào ngày 28/5, ông Daleep Singh, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ phụ trách về kinh tế quốc tế, đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ và các đồng minh đã chuẩn bị thực hiện các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu để ngăn chặn mọi tương tác thương mại có tính đe dọa giữa Trung Quốc và Nga trong bối cảnh xung đột Ukraine.

Tiếp theo đó, vào ngày 31/5, Thứ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Wally Adeyemo, trong bài phát biểu tại Berlin, Đức, đã nhấn mạnh rằng mặc dù Bắc Kinh có thể không trực tiếp cung cấp xe tăng và tên lửa cho Nga, nhưng vai trò của các công ty và tổ chức tài chính của Trung Quốc rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất vũ khí của Nga và cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Ông Adeyemo cảnh báo rằng nếu Trung Quốc tiếp tục bán các mặt hàng được sử dụng kép (phục vụ cho cả quân sự và dân sự) cho Nga, an ninh của các đồng minh Châu Âu sẽ bị đe dọa đáng kể, có khả năng khiến ông Putin tiếp tục thách thức NATO.

Ông Adeyemo đã đưa ra một thông điệp rõ ràng: “Các công ty Trung Quốc có thể kinh doanh trong nền kinh tế của chúng ta hoặc họ có thể trang bị cho cỗ máy chiến tranh của Nga những hàng hóa được sử dụng kép. Họ không thể làm cả hai”.

“Chúng ta phải làm rõ với các công ty Trung Quốc rằng tất cả chúng ta đều sẵn sàng sử dụng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của mình để buộc họ phải chịu trách nhiệm. Và Hoa Kỳ, Châu Âu và tất cả các đồng minh của chúng ta phải cùng nhau hành động để thực hiện bằng cách sử dụng các công cụ kinh tế của chúng ta để không có sự khác biệt giữa các chính sách của chúng ta”.

Áp lực liên tục này từ Hoa Kỳ dường như phù hợp với lời cảnh báo của Ngoại trưởng Antony Blinken trong chuyến thăm Bắc Kinh: “Tôi đã nói với ông Tập, nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề này, chúng tôi sẽ giải quyết”, ông Blinken nói, ám chỉ đến việc Trung Quốc cung ứng đầu vào cho ngành công nghiệp quân sự của Nga.

Sau đó, một số công ty Trung Quốc đã bắt đầu cắt đứt quan hệ với Nga.

Vào ngày 28/5, AliExpress, nền tảng thương mại điện tử quốc tế thuộc Alibaba, được cho là đã ngừng chấp nhận thanh toán bằng đồng RUB và đình chỉ các đơn đặt hàng vận chuyển đến Nga.

Trước đó, ông Yuriy Ignat, người phát ngôn của Không quân Ukraine, cho biết các bộ phận từ máy bay không người lái bị phá hủy của Nga tiết lộ rằng chúng được lắp ráp từ các bộ phận được cho là được mua từ AliExpress.

Các dấu hiệu của sự gián đoạn trong mối quan hệ kinh tế Nga - Trung dưới sức ép từ phương Tây

Trong bức ảnh của hãng thông tấn nhà nước Nga Sputnik, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tham quan hội chợ thương mại Nga – Trung tại thành phố Cáp Nhĩ Tân ở đông bắc Trung Quốc vào ngày 17/5/2024. (Ảnh: Mikhail Metzel/POOL/AFP qua Getty Images)

Bước lùi đối với dự án được kỳ vọng

Ông Putin đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận về đường ống “Sức mạnh Siberia 2” được kỳ vọng. Đáng chú ý là vắng mặt trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Putin tới Bắc Kinh là giám đốc điều hành của Gazprom, ông Alexei Miller, người có thể đóng vai trò thiết yếu trong các cuộc đàm phán quan trọng về đường ống với Trung Quốc.

Thư ký báo chí của Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng việc hợp tác cung cấp năng lượng vẫn là một phần quan trọng trong chương trình đàm phán giữa ông Tập Cận Bình và ông Putin.

“Hoàn toàn bình thường khi mỗi bên bảo vệ lợi ích của riêng mình. Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục, vì những người lãnh đạo của cả hai nước đều có ý chí chính trị cho nó, và các vấn đề thương mại sẽ tiếp tục được giải quyết, và chúng tôi không có nghi ngờ gì về việc sẽ đạt được tất cả các thỏa thuận cần thiết”, ông nói với các phóng viên vào ngày 2/6.

Về chủ đề này, ông Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan), một nhà bình luận thời sự tại Hoa Kỳ, nhận xét rằng mặc dù ông Putin thấy khó chịu khi phải chịu đựng “việc thu hoạch” mang tính cơ hội của ông Tập, nhưng hiện tại Bắc Kinh là người mua lớn duy nhất của Nga. Cuối cùng, ông Putin có thể buộc phải chấp nhận các yêu cầu của Bắc Kinh do không có lựa chọn thay thế. Ông Tập đã nhận ra đòn bẩy này, duy trì lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán về đường ống dẫn khí đốt tự nhiên.

“Ông Tập quyết tâm không để ông Putin sụp đổ, nhưng sự ủng hộ của ông ấy sẽ được cân nhắc cẩn thận. Chiến lược này đảm bảo rằng Nga và Ukraine, cùng với NATO, tiếp tục làm cạn kiệt nguồn lực của nhau, kéo dài xung đột và khiến NATO bận rộn. Đồng thời, nó làm Nga suy yếu đáng kể, cuối cùng biến nước này thành một quốc gia chư hầu trong phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh. Ông Tập coi đây là cách tiếp cận ‘một mũi tên trúng hai đích'”, ông Đường cho biết.

Sự ngờ vực lâu đời giữa hai nước

Trong suốt lịch sử hiện đại, các học giả đã mô tả mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga là mối quan hệ “ngờ vực lẫn nhau”, ngăn cản họ hình thành một liên minh thực sự.

Các học giả Nhật Bản thường mô tả mối quan hệ Trung – Nga giống như “cáo và gấu mèo”, lừa dối lẫn nhau.

Ông Takashi Okada, cựu thành viên ban biên tập của Kyodo News, đã viết ngay sau khi chiến tranh Nga – Ukraine bắt đầu, nhấn mạnh đến “sự ngờ vực lẫn nhau” sâu sắc giữa Trung Quốc và Nga, dẫn đến sự hợp tác hời hợt. Ông trích dẫn lời của một nhà ngoại giao Trung Quốc, người đã nêu bật một trong những lý do: Liên Xô đã từng phản bội Bắc Kinh trong thời điểm Bắc Kinh cần trợ giúp.

Nhà ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, “Chúng tôi không quên rằng vào những năm 1960, khi Trung Quốc bị thiên tai, đồng minh của Trung Quốc là Liên Xô đã rút các kỹ sư của mình. Do đó, Trung Quốc phản đối bất kỳ hình thức liên minh nào và thay vào đó là ký kết các thỏa thuận hợp tác”.

Xem xét lịch sử tương tác giữa Trung Quốc và Nga (bao gồm cả Liên Xô cũ) trong vài thập kỷ qua cho thấy một mô hình “ngờ vực lẫn nhau” và “phản bội” do những khác biệt về ý thức hệ, lợi ích chiến lược và những thay đổi trong bối cảnh quốc tế.

Năm 1960, Liên Xô đã rút toàn bộ các chuyên gia kỹ thuật khỏi Trung Quốc, khiến quan hệ Trung – Xô xấu đi nhanh chóng và cuối cùng tan vỡ hoàn toàn vào giữa những năm 1960.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào năm 1969 với xung đột biên giới Trung – Xô trên đảo Trân Bảo (Zhenbao), nơi cả hai bên tập trung quân dọc biên giới, đe dọa leo thang xung đột thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn.

Trong giai đoạn căng thẳng gia tăng này, Trung Quốc đã chọn cách “phản bội liên minh” và tìm cách cải thiện quan hệ với kẻ thù chung của họ là Hoa Kỳ để đối trọng với Liên Xô.

“Ngoại giao bóng bàn” của Trung Quốc với Hoa Kỳ đã thành công, dẫn đến chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon vào năm 1972, đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong quan hệ Trung – Mỹ. Sự kiện này ngụ ý rằng hai đối thủ chính của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh có thể hình thành một liên minh, gây áp lực chiến lược đáng kể lên Liên Xô.

Trong chương trình Cái nhìn Đỉnh điểm (Pinnacle View) của NTD, ông Đỗ Văn (Du Wen), một học giả luật Trung Quốc đang sống ở Bỉ, cho biết chuyến thăm Pháp của ông Tập làm nổi bật những rắc rối hiện tại bên trong và bên ngoài của chính quyền Trung Quốc và nhu cầu cấp thiết của Trung Quốc trong việc nhận được sự hỗ trợ của phương Tây. Ông gợi ý rằng Trung Quốc có thể thỏa hiệp riêng với phương Tây trong khi đồng thời tìm cách hỗ trợ Nga để đạt được đòn bẩy ở Châu Âu.

Ông Đỗ Văn đã nghiên cứu các chiến lược của chính quyền Trung Quốc đối với Châu Âu. “Ông Tập nhận thức được rằng kết quả chung của cuộc chiến Nga – Ukraine đã được xác định và triển vọng của Nga rất ảm đạm. Việc tiếp tục hỗ trợ Nga không chỉ vô ích mà còn rủi ro. Ông Tập có thể thỏa hiệp về các vấn đề liên quan đến an ninh Châu Âu để duy trì vị thế của Trung Quốc trên thị trường Châu Âu”, ông nói.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Bình luận về bài viết này