PHẠM TÂY SƠN (Phạm đình Tuấn)

TỔ QUỐC VIỆT NAM – DANH DỰ – ĐỒNG BÀO TRÊN HẾT Thông tin để khai trí và phát triển.

-Phần 2: Sức mạnh sáng tạo của sự thật

Posted by phamtayson trên 17/11/2020


Epochtimes Việt

Thứ ba, 17/11/2020

Trong phần 1, chúng ta đã thấy tư tưởng cấp tiến là giả dối và sử dụng kỹ xảo ngôn từ gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế nào. Con người trong các thời kỳ văn minh và tôn giáo đều tin rằng nhân loại sẽ suy thoái theo thời gian, mà một trong những nguyên nhân chính là việc sử dụng ngôn từ một cách dối trá. 

Vậy câu hỏi đặt ra là: Ngôn ngữ gốc có tính ưu việt như thế nào?

Tất nhiên, từ những gì chúng ta đã đề cập đến trước đây, ngôn ngữ là chân thực và đúng đắn. Tôi cũng cho rằng ngôn ngữ là một phép màu. Đây là một thuật ngữ bị chế nhạo bởi các quan điểm khoa học vốn tự khoác lên mình chiếc áo gọi là “cấp tiến”, vì khi nói về sự màu nhiệm, chúng ta thường có ý nói đến suy nghĩ viển vông hoặc tưởng tượng.

Nhưng chúng ta cũng nhận ra phép màu trong ngôn ngữ khi dùng các từ ngữ như “thần chú” “chú ngữ”. Nina Simone là một ví dụ. Khi cô hát: “Tôi niệm thần chú lên bạn” (“I put a Spell on you”), chúng ta hiểu đó là gì. Các nhà thôi miên thường sử dụng thần chú, thần chú có thể giúp người trong cuộc vượt qua nỗi sợ hãi và ám ảnh hoặc thật sự có tác dụng chữa bệnh. Bạn cũng có thể nghe nói đến tà thuật Voodoo – một thứ ma thuật cổ xưa của người châu Phi – cũng dựa vào bùa chú để giết người. Một cách rất màu nhiệm, ngôn ngữ cũng có những tác động kỳ diệu lên bản thân chúng ta.

Nếu bạn cho rằng ví dụ trên nghe có vẻ cực đoan, vậy hãy thử xem xét các chính trị gia. Lời họ nói dường như mê hoặc chúng ta, họ như đặt lên chúng ta một câu thần chú để nắm giữ lý trí của chúng ta. John F. Kennedy có loại sức mạnh kỳ diệu đó, Martin Luther King cũng vậy, và ngay cả kẻ độc tài như Hitler cũng có khả năng đó.

Chỉ vào đối tượng

Tuy nhiên, khi đề cập tới phép màu, tôi muốn nói tới một thứ gì đó còn cao siêu hơn cả thứ ngôn ngữ đơn thuần đang mê hoặc chúng ta. Từ “thần chú” (Spell) cũng có nghĩa là đánh vần, và điều thú vị là ở đây nó mang hàm nghĩa khác trong ngôn ngữ. Nói cách khác, đánh vần là một dạng cấu trúc mà thông qua nó ý nghĩa của từ được hình thành. 

Một sự thật khiến nhiều người bối rối là: những âm thanh dường như ngẫu nhiên bắt đầu thành hình, và khi thành hình nó bắt đầu chỉ ra một thứ gì đó vượt ra ngoài chính nó. Khi ai đó chỉ vào một vật gì đó, chúng ta không nhìn vào ngón tay đang chỉ kia mà lại nhìn vào vật thể được chỉ. Nói cách khác, chúng ta nhìn vào một đối tượng hoặc thực tại “ngoài kia” mà nhận thức của chúng ta đang được thu hút bởi cái chỉ tay.

Tất nhiên, điều xảy ra với ngôn ngữ cũng tương tự như cái chỉ tay, nó chỉ là một hành động đại diện. Vì vậy, những gì chúng ta cần xem xét là nó diễn ra như thế nào ở thời kỳ sơ khai hoặc thời Kỷ Nguyên Vàng. Trong vở kịch “Macbeth”, chúng ta thấy phép thuật được sử dụng: thông qua những câu thần chú của ba phù thuỷ để tạo ra tương lai, và đó là điều mà nhân vật Macbeth muốn tin. Nhưng cách sử dụng này là sự mô phỏng quyền lực của ngôn ngữ trước đó, theo đó ngôn ngữ không chỉ nói tới điều gì đó mà còn tạo ra điều mà trước đó hoàn toàn ở một trạng thái khác.

Các phù thuỷ trong vở “Macbeth” đã dùng thần chú của quỷ dữ để tiên tri về tương lai, hay sử dụng thần chú để tạo ra tương lai? Bức tranh “Macbeth và các phù thuỷ” của Thomas Barker of Bath. (Ảnh Thư viện Folger Shakespeare)

Các phù thuỷ trong vở “Macbeth” đã dùng thần chú của quỷ dữ để tiên tri về tương lai, hay sử dụng thần chú để tạo ra tương lai? Bức tranh “Macbeth và các phù thuỷ” của Thomas Barker of Bath. (Thư viện Folger Shakespeare)

Chúng ta nhiều lần thấy trong truyện cổ tích hay truyện thần thoại, rằng ngôn ngữ sẽ tạo ra điều khác với bản nguyên của nó. Ví dụ, Pygmalion thông qua lời cầu nguyện với Nữ Thần để thổi sự sống vào bức tượng người yêu. Trong một phiên bản khác được kể bởi George Bernard Shaw, nhờ sức mạnh của ngôn ngữ mà một cô gái thuộc tầng lớp hạ đẳng có thể trở thành nữ công tước hay công chúa, cuộc sống của cô đã biến đổi thông qua sự sáng tạo của ngôn từ.

Pygmalion cầu nguyện thần Vệ Nữ để tạo ra sự sống cho bức tượng của mình. Tranh vẽ năm 1786 bởi Jean-Baptiste Regnault, cung điện của Versailles. (Ảnh phạm vi công cộng)

Sức mạnh tối cao của ngôn từ

Ví dụ tiêu biểu nhất về sức mạnh của ngôn từ được nêu trong sách Phúc Âm John. Ở đây, chúng ta biết rằng vũ trụ được tạo ra bằng “Thần chú”. “Lời” có từ thuở ban sơ và nhờ Ngài mà mọi sự được tạo thành. Trong sách Sáng Thế, Adam được gọi để đặt tên các loài động vật và thực thi quyền lực đối với chúng, vì lời nói có quyền lực sẽ tạo ra tác dụng thực sự.

Ngày đầu tiên của sự sáng tạo được mô tả trên một bảng khắc bằng ngà voi, vào khoảng năm 1084, nhà thờ Salerno. (Ảnh CC SA-BY 4.0)

Đó là thứ ngôn ngữ khởi nguyên, chân thực, chính đáng, sáng tạo và có hiệu lực trong việc thực hiện những điều mà tâm trí muốn làm. Ngày nay, khi nhân loại suy đồi thì năng lực của ngôn ngữ cũng bị suy yếu, con người hiện đại thích nói dối hơn nói thật. Tuy nhiên, vẫn còn đó những ánh hào quang trước đây của nó. Bằng cách lặp đi lặp lại những từ, cụm từ, câu nhất định – có thể gọi là câu chú, niệm chú, thánh ca – chúng ta cũng đang “đọc thần chú” cho mình để đạt được thành công hay chuốc lấy thất bại. 

Suy thoái

Nhưng chủ đề ban đầu của chúng ta là về sự cấp tiến kia mà? Nhà kinh tế Alan Reynolds nói: “Chúng ta tin rằng các vấn đề nhất định sẽ được giải quyết. Đây là đức tin thời hiện đại của chúng ta”. Đây là một ví dụ khác về huyền thoại của sự cấp tiến. Reynolds nói thêm: “Tuy nhiên, sự thật còn ảm đạm hơn nhiều… Nghệ thuật và âm nhạc của chúng ta đang ngày càng trở nên ngu xuẩn hơn và môi trường của chúng ta thì trên bờ sụp đổ”.

Sự phản cấp tiến đang xảy ra trong nghệ thuật và âm nhạc – vốn là thứ ngôn ngữ có thể mê hoặc chúng ta một cách sâu sắc – phản ánh sự suy thoái trong văn hoá đại chúng. Và như nhà phân tích tâm lý học James Hollis nói, thì: “Trong khi những tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong hai thế kỷ qua đã cải thiện đáng kể sự tiện lợi và tuổi thọ của chúng ta, thì chúng lại tạo điều kiện thuận lợi cho sự vô đạo đức tiến triển không cách nào mà so sánh được”. 

Thực tế là không có sự cấp tiến nào hết! Trên thực tế, nhân loại đang suy thoái. Các triết lý về sự cấp tiến làm giảm giá trị ngôn từ và kết quả thực sự của việc này là cho phép các chính trị gia khăng khăng nói những điều “không phải sự thật” mà vẫn không bị phản đối, thậm chí không tỏ ra bối rối, bởi vì không còn ngôn từ nào có đủ sức mạnh để phơi bày những gì đang xảy ra và đưa chúng ta trở lại với sự thật và chính nghĩa. 

Do đó, cần phải lên án sự cấp tiến và từ bỏ nó nếu chúng ta mong muốn đảo ngược tình trạng khủng khiếp mà nền văn minh nhân loại đang đương đầu. 

Suy thoái đi về đâu?

Để lấy lại sức mạnh của ngôn ngữ và “thần chú” của chúng ta, thay vì nói về sự cấp tiến, chúng ta cần nói về lẽ phải, hoàn toàn là lẽ phải. Đó là sự khởi đầu. Tuy nhiên, nếu làm điều này chúng ta chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối lớn, vì phong trào cấp tiến có những lãnh đạo cấp tiến riêng của nó, những người có sinh kế phụ thuộc vào lời dối trá của họ.

Nói đến bài thơ “Thần Khúc” của Dante, linh mục Timothy Radcliffe đã nhận xét rằng: “Trái tim băng giá của địa ngục được giữ cho những kẻ phá hoại chân lý: những kẻ nói dối, những kẻ lừa đảo, những kẻ giả mạo, và tệ nhất là những kẻ phản bội”. 

John F. Kennedy cũng đưa ra một lời khuyên rất trí tuệ rằng: “Chúng ta đừng tìm kiếm câu trả lời của đảng Cộng Hòa hay câu trả lời của đảng Dân Chủ, mà cần tìm kiếm câu trả lời đúng đắn. Chúng ta đừng tìm cách sửa lỗi cho quá khứ, mà hãy chấp nhận gánh trách nhiệm cho tương lai”.

Tổng thống John F. Kennedy kêu gọi người dân tìm ra câu trả lời đúng, thay vì đảng phái, cho các vấn đề của nước Mỹ. (Ảnh Central Press / Getty Images)

Ngày xưa, John F. Kennedy là một thành viên của phái cấp tiến, nhưng đoàn quân cấp tiến ngày nay đang tiến xa hơn nhiều trên con đường suy thoái, họ sẽ không chấp nhận lời khuyên này. Tìm kiếm câu trả lời đúng? Đừng đổ lỗi cho người khác về những gì đã xảy ra trong quá khứ? Chịu trách nhiệm về đóng góp của mình cho tương lai? Tại sao? Đó là những gì lỗi thời, lạc hậu và cổ hủ!

Thay vào đó, đội ngũ cấp tiến luôn cố gắng che giấu tất cả những gì đúng đắn bằng những thứ sai lầm, và ngôn ngữ sẽ trở thành phương tiện chính của nó. Họ sẽ nói những điều như: “Ý của bạn là thế nào khi nói cái gì đó đúng?”, hoặc: “Ai nói điều ấy là đúng?”, hoặc: “Đúng chỉ là một sự phán xét có giá trị”, hoặc: “Nó phụ thuộc vào bạn” và “Đúng chỉ là đúng với bạn”. Và cứ thế, họ đang bức tử xã hội khi phá hoại chân lý của nhân loại. Khi họ tranh giành cho chủ nghĩa vô chính phủ và hơn nữa là sự bình đẳng, tất cả những gì cuối cùng dẫn đến là chủ nghĩa toàn trị. 

Vì đó là nơi cuối cùng nó kết thúc. Thần chú không biến mất chỉ vì nó đã bị làm giảm giá trị và bại hoại. Nếu chúng ta không tích cực chống lại sự ô nhiễm của ngôn từ, những ý thức hệ phi chân lý của phong trào cấp tiến và những thứ tương tự, chúng ta sẽ trở thành con mồi của những kẻ dối trá. 

Như tôi đã trích dẫn lời Leszek Kolakowski trong Phần 1: “Dối trá là linh hồn của chủ nghĩa Bolshevik”. Sự suy thoái này phải được chống lại bởi “thần chú của sự thật”. Những câu thần chú của chân lý hiện nay khó tạo nên hơn những lời nói dối dễ dàng, nhưng chúng ta đã biết rõ rằng một khi được tạo ra, chúng có sức mạnh lớn hơn rất nhiều vì chúng mang đến sự kỳ diệu vốn có của ngôn ngữ thuở ban sơ. Vì bản chất của sự dối trá là phá huỷ, trong khi chân lý mới hoàn toàn là sáng tạo. 

 James Sale
Hồng Vân biên dịch

Bình luận về bài viết này