PHẠM TÂY SƠN (Phạm đình Tuấn)

TỔ QUỐC VIỆT NAM – DANH DỰ – ĐỒNG BÀO TRÊN HẾT Thông tin để khai trí và phát triển.

-Phần 1: Thời đại cuối cùng và linh hồn của tư tưởng cấp tiến

Posted by phamtayson trên 17/11/2020


Epochtimes Việt

Thứ bảy, 07/11/2020

Chúng ta đã quen với việc sử dụng một số khái niệm mà không bao giờ đặt nghi vấn về nó. Và khái niệm mà tôi cho là gây ra nhiều phiền phức nhất ở các nước phương Tây là ý tưởng về sự cấp tiến – “Progress”.

Tư tưởng cấp tiến giả định rằng chúng ta có thể trở nên tốt hơn, rằng mọi thứ không ngừng được cải thiện… Nhưng giả định sai lầm này lại làm phức tạp thêm bối cảnh chính trị của chúng ta. Chính từ “cấp tiến” đã sản sinh ra “đảng cấp tiến” với “các chính sách cấp tiến” – những đảng này tự phong cho mình một phẩm hạnh nào đó và tự cho bản thân là đúng, như thể là chỉ có họ mới đại diện cho dòng chảy lịch sử và chỉ có họ mới giúp nhân loại trở nên tiến bộ, không giống như những người mà họ gọi là “kẻ bảo thủ” với tư tưởng cổ hủ, lạc hậu. Có vẻ như có quá ít trải nghiệm trong lịch sử hoặc thực tế để có thể thay đổi được niềm tin và tư tưởng của những người theo chủ nghĩa cấp tiến.

Cùng với phong trào Khai Sáng vào thế kỷ XVIII, ý tưởng rằng chúng ta đang tạo nên “sự cấp tiến” đã có một bước ngoặt quan trọng và mang tính định mệnh. Tuy nhiên, tiểu thuyết gia khoa học viễn tưởng Michel Corday đã vô tình hé lộ bí mật này khi ông bình luận: “Mọi tư tưởng và sự kiện gây ra bởi sự bùng nổ của chiến tranh đều đánh một đòn cay đắng và chí mạng vào niềm tin vĩ đại trong tôi: Khái niệm về sự cấp tiến vĩnh cửu, về việc hướng về hạnh phúc ngày càng to lớn hơn. Tôi chưa bao giờ tin rằng điều gì đó như thế có thể xảy ra”. Chà! Khái niệm về “sự cấp tiến vĩnh cửu”!

Chân dung Michel Corday và chữ ký. (Ảnh Ảnh Công cộng)
Chân dung Michel Corday và chữ ký. (Ảnh Ảnh Công cộng)

H.G.Wells – tác giả của hai cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nổi tiếng “Chiến tranh giữa các thế giới” và “Cỗ máy thời gian” – cũng từng tin vào sự cấp tiến. Ông đã dành cả cuộc đời để ủng hộ nó, nhưng cuốn sách cuối đời của ông là “Mind at the End of Its Tether” (tạm dịch: “Sự bĩ cực của tâm trí”) lại thể hiện sự chán nản, bi quan cùng với cái nhìn vô vọng về việc nhân loại có thể được thay thế bằng một nhân loại mới tiên tiến hơn. Đó là sự tiến bộ? Là một người bạn và đối tác của Wells, nhà văn G.K Chesterton với quan sát xác thực hơn đã nói: “Mọi thứ đơn giản là tiến đến diệt vong”.

Nhà thơ, nhà văn, đồng thời là một trong những người sáng lập chủ nghĩa siêu thực – Andre Breton – đã nhận thấy điều này trong tuyên ngôn của phong trào cấp tiến. Ông nói: “Kinh nghiệm… đi tới đi lui trong một chiếc lồng mà càng ngày càng khó có thể thoát ra. Nó quá dựa vào sự hỗ trợ về những lợi ích nhất thời, và nó được bảo đảm bởi các lực lượng canh gác lỏng lẻo. Dưới sự giả bộ của nền văn minh và sự cấp tiến, chúng ta đã cố loại khỏi tâm trí mình mọi thứ mà một cách đúng đắn hoặc sai lầm chúng được gọi là mê tín, hoặc tưởng tượng. Tất cả những hình thức tìm kiếm chân lý không phù hợp với thông lệ đều bị cấm đoán”.

Và thật kỳ lạ, ngay cả những người được coi là tân tiến nhất, thậm chí ngay cả trong thời huy hoàng của họ, cũng đều nhận thấy có sai lầm sâu sắc trong suy nghĩ của chúng ta và trong cách chúng ta nhìn nhận quá khứ. Thật vậy, bản thân cấp tiến chỉ là “điều mê tín dị đoan” mà sự xuất hiện của nó đã tuyên bố rằng nó sẽ bị đào thải.

Một cách nhìn thời cổ đại

Cổ nhân quan niệm rằng mọi thứ tốt đẹp vào thời điểm khởi đầu nhưng sau đó sẽ dần suy vong. Ví dụ, người Ai Cập cổ tin vào khoảng thời gian gọi là “Zep Tepi” (hay “Thời kỳ đầu” của Kỷ Nguyên Vàng) – khoảng thời gian mà sự hòa hợp và liên kết giữa các hành tinh đạt đến trạng thái hoàn hảo.

Cũng như vậy, người Hy Lạp cổ đại tin vào Kỷ Nguyên Vàng khi người và Thần không có xung đột, cuộc sống rất lâu dài và phồn vinh. Đáng buồn thay, Kỷ Nguyên Vàng đã nhường chỗ cho Bạc và sau đó là Đồng, và cuối cùng là Kỷ Nguyên Sắt, khi chiến tranh, bạo lực, sự phản bội lây lan, cuộc sống trở nên tồi tệ, khốc liệt và ngắn ngủi. 

Người xưa tin rằng Kỷ Nguyên Vàng thuộc về quá khứ, còn ngày nay, chúng ta tin rằng đó là tương lai. Tranh  “Kỷ Nguyên Vàng” của Pietro da Cortona. Palazzo Pitti, Florence, Italy. (Ảnh Miền Công cộng)
Người xưa tin rằng Kỷ Nguyên Vàng thuộc về quá khứ, còn ngày nay, chúng ta tin rằng đó là tương lai. Tranh  “Kỷ Nguyên Vàng” của Pietro da Cortona. Palazzo Pitti, Florence, Italy. (Ảnh Miền Công cộng)

Thần thoại Hindu cũng nói về bốn thời đại: Satya, Treta, Dvapara và Kali. Chúng đại diện cho những thời kỳ dài và có tính chu kỳ. Kỷ nguyên đầu tiên, Satya, là kỷ nguyên của chân lý và chính nghĩa, sau đó vào mỗi thời kỳ tiếp theo chân lý sẽ dần suy giảm. Hiện nay, chúng ta đang ở thời kỳ Kali, có nghĩa là thời kỳ mà cái ác và sự bất chính đã thay thế cho sự thật và chính nghĩa trong quá khứ. 

Chúng ta có thể đưa ra nhiều ví dụ khác, nhưng hãy lấy những điều gần gũi hơn, Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo cũng kể về sự thoái hoá của con người. Nó không phải là câu chuyện ngắn như chuyện về “bốn kỷ nguyên”, mặc dù mức độ xuống cấp của loài người rất rõ ràng trong sách Sáng Thế: Sự sụp đổ trong vườn Địa Đàng nhanh chóng được tiếp nối bởi bạo lực của Cain, nhưng loài người vẫn tồn tại cho tới khi đại hồng thuỷ xảy ra, rõ ràng đó là một thời gian đáng kể sau “Sự sụp đổ”.

Một trong những điểm khác biệt cơ bản giữa con người của Kỷ Nguyên Vàng và con người hiện nay – ngoài tính chất bạo lực rất rõ ràng – thì chính là ngôn từ. Người theo đạo Hindu luôn nói sự thật, họ nói đúng bản chất sự việc, hay nói cách khác là không lừa dối. Theo cách nào đó, bạo lực không phải là nguyên nhân chính gây ra đau khổ cho chúng ta, mà chỉ là một triệu chứng mà thôi. 

Hãy nhớ rằng ma quỷ là “cha đẻ của dối trá”, và rằng nói sai sự thật là kết quả của loại suy nghĩ sai lầm. Suy nghĩ sai lầm – một cách làm sai lệch các giá trị đạo đức – thường là kiểu suy nghĩ tách rời khỏi cảm xúc của trái tim. 

Ta hãy xem câu chuyện của Cain. Đức Chúa Trời từng cảnh báo anh ta rằng tội lỗi đang rình rập trước cửa và nó là một loại cám dỗ khiến anh ta không thể làm chủ chính mình. Sau lời cảnh báo đó, Cain đã nói chuyện với em trai Abel và rồi giết chết cậu. Chúng ta không biết Cain đã nói gì với Abel, nhưng có thể thấy Cain giết chết em trai khi anh ta không đạt được điều gì đó mà anh ta muốn. Dù Cain nói gì với em trai, rất có thể đó không phải là sự thật. Anh ta không chỉ nói dối Abel mà còn lừa dối chính mình, và cuộc sát hại là một sự che đậy. 

"Cain sát hại Abel”, vẽ bởi Peter Paul Rubens. Viện Nghệ Thuật Courtauld, London. (Ảnh Miền Công cộng)
“Cain sát hại Abel”, vẽ bởi Peter Paul Rubens. Viện Nghệ Thuật Courtauld, London. (Ảnh Miền Công cộng)

Gốc rễ của tư tưởng cấp tiến: Sự dối trá

Chúng ta đã quen thuộc với loại ngôn ngữ sai trái này vì chúng ta thường xuyên tiếp xúc với nó. Lịch sử đã có nhiều ví dụ nổi tiếng về những phát ngôn dối trá, gây nên sự hiểu lầm. Đôi khi chúng ta cho rằng cần phải chấp nhận “lời nói dối vô hại” nếu muốn duy trì mối quan hệ với những người mà chúng ta cho là quan trọng để họ không phiền lòng. Điều này đối lập với những gì mà học giả Nho giáo Chu Hsi từng nói: “Chân thành là nguyên tắc của thực tế, dù trước mặt hay sau lưng thì đều phải như nhau”.

Phật giáo có triết lý về “Bát chánh đạo”: Hiểu đúng, tư duy đúng, nói đúng, làm đúng, sống đúng, nỗ lực đúng, quan điểm đúng, và định đúng (Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngôn, Chính hành, Chính mệnh, Chính tinh tấn, Chính niệm, Chính định). Đó là tư duy logic tuyệt vời: từ hiểu, suy nghĩ, tới nói, và hành động. Điều này không chỉ đúng ở phạm vi cá nhân mà cả ở phạm vi xã hội. Nếu xã hội dựa trên dối trá thì hậu quả rất kinh hoàng – nếu không phải là ngay lập tức, thì sẽ là sau này.

Tư tưởng cấp tiến - Bánh xe Pháp tám nhánh tượng trưng cho Bát chánh đạo trong Phật giáo. (Ảnh Chris Falter CC BY-SA 3.0)
Bánh xe Pháp tám nhánh tượng trưng cho Bát chánh đạo trong Phật giáo. (Ảnh Chris Falter CC BY-SA 3.0)

Đây là lý do tại sao George Orwell, mặc dù là một nhà xã hội chủ nghĩa, nhưng là một anh hùng không ngừng theo đuổi sự thật. Ông đã lường trước điều gì sẽ xảy ra khi ngôn ngữ không phản ánh sự thật. Bài bình luận “Chính trị và tiếng Anh” đã chứng minh điều này, hai cuốn tiểu thuyết vĩ đại của ông “Trại súc vật” và “1984” cũng chứng minh một cách chính xác đến kỳ lạ về hậu quả của ngôn từ giả dối. Các tác phẩm của ông là ví dụ rất điển hình về việc tiểu thuyết còn trung thực hơn bất kỳ tài liệu chính trị nào vào thời đó.

Tư tưởng cấp tiến - Tác phẩm châm biếm “Trại súc vật” của George Orwell
Tác phẩm châm biếm “Trại súc vật” của George Orwell đã chứng minh lý thuyết của Karl Marx dựa trên sự cướp đoạt ngôn từ và dối trá. (Ảnh Miền Công cộng)

Trước khi quay trở lại vấn đề ngôn ngữ của Kỷ Nguyên Vàng, cũng nên lưu ý rằng chúng ta đang gặp vấn đề này ở phương Tây. Ta gọi nó là “tin giả”, nhưng cách nó được truyền đi  không khác gì công tác tuyên truyền dưới thời Đức Quốc xã và Liên Xô của thế kỷ 20. Tin tức giả là tuyên truyền, và nó được tạo ra để gieo rắc sự bất hòa, hoang mang và sợ hãi. 

Cứ đà này, quan điểm ôn hoà và dân chủ tự nó suy yếu, xói mòn và cuối cùng bị đánh bại nếu các thế lực hợp pháp không hành động dứt khoát để chống lại sự tấn công dữ dội này từ trong tư tưởng và suy nghĩ. 

Mối quan tâm đặc biệt hiện nay là sự trỗi dậy của tư tưởng Mác-xít được ngụy trang dưới chiếc mặt nạ “tiến bộ” hay “cấp tiến”. Nhận xét nổi bật nhất về chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa cộng sản hoặc chủ nghĩa Bolshevik từng được đưa ra – chắc chắn có liên quan đến chủ đề ngôn ngữ và sự cấp tiến – được triết gia Leszek Kolakowski viết trong cuốn “Các trào lưu chính của chủ nghĩa Mác: Nguồn gốc, sự phát triển và sự tan rã của nó”. Ông viết: “Sự dối trá là linh hồn của chủ nghĩa Bolshevik”. 

Dối trá là linh hồn, là trọng tâm của chủ nghĩa Bolshevik, và điều này trái ngược hoàn toàn với Kỷ Nguyên Vàng, Bát Chính Đạo, với trạng thái của Adam trước khi sa ngã và hơn thế nữa. Mặc dù ngôn ngữ của hệ tư tưởng này liên tục nhấn mạnh vào sự cấp tiến, nhưng trên thực tế lại có nghĩa ngược lại. Đây là lý do vì sao các nhà sử học cũng đồng ý với nhận định của giáo sư Norman Davies trong cuốn sách “Châu Âu: Một lịch sử” rằng: “Về mặt đạo đức, người ta phải ghi nhận sự tương phản cực độ giữa tiến bộ về vật chất của nền văn minh châu Âu và sự suy thoái kinh hoàng trong giá trị chính trị và tinh thần”.

Và câu hỏi đặt ra là: Ngôn ngữ đã mất đi sự trung thực như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong Phần 2. 

James Sale
Hồng Vân biên dịch

James Sale là một doanh nhân người Anh điều hành công ty Motivational Maps Ltd., hoạt động tại 14 quốc gia. Ông là tác giả của hơn 40 cuốn sách về quản lý và giáo dục, được ấn hành bởi các nhà xuất bản quốc tế lớn như Macmillan, Pearson và Routledge. Ông cũng từng được trao giải nhất trong cuộc thi của hội các nhà thơ cổ điển năm 2017 và phát biểu vào tháng 6 năm 2019 tại hội nghị chuyên đề được tổ chức tại Câu lạc bộ Princeton ở New York.

Bình luận về bài viết này