PHẠM TÂY SƠN (Phạm đình Tuấn)

TỔ QUỐC VIỆT NAM – DANH DỰ – ĐỒNG BÀO TRÊN HẾT Thông tin để khai trí và phát triển.

-Tổng thống Nga Putin: Chính khách thiên tả hay thiên hữu và sự khó lường của cựu điệp viên

Posted by phamtayson trên 06/09/2020


Viễn Triết – ĐKN

Tuần qua, Đức đã đưa ra kết luận rằng ông Nalvany, chính trị gia đối lập với điện Kremlin, bị đầu độc. Khi vụ việc này xảy ra nhiều người hướng ánh nhìn sang Tổng thống Nga Putin, cho rằng cựu điệp viên KGB đã dùng tới biện pháp cực đoan để hạ sát đối thủ. Và từ đó câu hỏi cũ “Putin, ông là ai?” lại được khơi lên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh: Từ video của Russia Insight)

Ông Putin bắt đầu trở thành nhân vật có ảnh hưởng bao trùm chính trường Nga kể từ sau khi ông được cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin chọn làm thủ tướng vào tháng 8/1999. Mặc dù ông Putin được nhiều người ca ngợi vì giúp cải thiện nền kinh tế và vị thế của nước Nga, nhưng ông cũng bị cáo buộc là một nhà lãnh đạo lạm quyền, coi thường dân chủ và thường sử dụng các đòn tấn công “dưới thắt lưng” với các đối thủ chính trị.

Ngoài ra, cách ông Putin chọn bạn cho nước Nga cũng khiến người ta đánh giá ông là một lãnh đạo có xu hướng thiên tả mặc dù ông không còn là thành viên của Đảng cộng sản Nga. Nước Nga dưới thời Putin bang giao mật thiết với chính quyền của các quốc gia bị thế giới tự do xem là ở thế đối ngược như Trung Quốc, Venezuela, Triều Tiên, hay Iran.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp người ta lại thấy ông Putin có những hành động giống với người thiên hữu, những người có thể được nhận ra ở quan điểm bảo vệ truyền thống văn hóa. Theo The Moscow Times, trong suốt thời gian cầm quyền ở Nga, ông Putin chủ trương thúc đẩy tín ngưỡng Chính giáo, phản đối hôn nhân đồng tính. Ông đã thể hiện điều này bằng hành động cụ thể, vào tháng 3/2020 ông ủng hộ việc đưa “niềm tin vào Chúa” và “hôn nhân truyền thống” vào hiến pháp. Ông cũng được xem là chính trị gia nước ngoài ủng hộ ông Trump, một người cánh hữu, làm tổng thống Mỹ chứ không phải các ứng viên thiên tả như bà Hilarry Clinton hay ông Joe Biden.

Tại sao ủng hộ Trump?

Có 3 thế lực chính đã và đang can thiệp vào chính trường Mỹ bao gồm chính quyền Trung Quốc, Nga, và Iran. Theo Breit Bart, khác với hai lực lượng còn lại ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ, chính phủ Nga có xu hướng ủng hộ Tổng thống Trump tái đắc cử.

Có nhiều lý do khiến chính phủ Putin ủng hộ Tổng thống Trump, một trong số đó có thể đến từ việc ông Putin có “ân oán” với nhiều nhân vật có ảnh hưởng lớn ở đảng Dân chủ Mỹ, ví dụ như với bà Hillary Clinton.

Tờ Politico trong bài viết “Tại sao Putin ghét Hillary”, đăng ngày 25/7/2016, cho biết, khi các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Putin nổ ra ở Moscow vào tháng 12/2011, ông Putin đã nói rõ rằng người mà ông nghĩ thực sự đứng sau cuộc biểu tình này là Ngoại trưởng Hillary Clinton. Ông Michael McFaul, một quan chức cấp cao trong hội đồng an ninh thời chính quyền Obama, người từng là đại sứ Mỹ tại Nga, cho biết, ông Putin “rất khó chịu” với bà Hillary Clinton.

Việc ông Putin không “ưa” bà Hillary còn có nguyên nhân từ những việc xảy ra từ thời gian trước đó khá xa. Cũng theo Politico, bà Clinton chưa bao giờ che giấu thái độ coi thường ông Putin. Khi còn là một thượng nghị sĩ, vào năm 2008, bà Hillary có lời nói đùa về ông Putin, nhưng chính câu nói bông lơn này có thể đã khiến Tổng thống Nga để bụng. Chuyện là, Tổng thống George W. Bush khi còn đương nhiệm nói rằng ông đã hiểu được “linh hồn” của Putin, sau đó bà Clinton nói đùa rằng ông Putin từng là một điệp viên KGB, vì thế “theo định nghĩa thì ông ấy không có linh hồn”.

Theo ông McFaul, việc ông Putin không có thiện cảm với bà Hillary còn vì một nguyên nhân khác, đó là cựu đệ nhất phu nhân có quan điểm cứng rắn với Nga, luôn nghi ngờ Kremlin, và là một nhà đàm phán khó tính trong các cuộc tiếp xúc với phái đoàn ngoại giao Nga.

Bà Hillary là một đại diện của đảng Dân chủ, quan điểm của bà mang những đặc trưng của đảng phái có khuynh hướng cánh tả, bà cũng là bạn và ủng hộ những ứng viên tổng thống Mỹ như Joe Biden. Vì thế việc ông Putin không thích bà Cliton cũng dễ dẫn tới việc ông không thích các ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ.

Bên cạnh đó, vì Tổng thống Trump có quan điểm “nước Mỹ trên hết” nên ông luôn tìm cách đòi lại công bằng cho Hoa Kỳ, điều này dẫn tới việc ông yêu cầu các thành viên NATO cần chia sẻ nhiều hơn gánh nặng tài chính với Mỹ. Vô hình chung việc làm của ông Trump khiến mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh ít nhiều sứt mẻ, NATO là mối đe dọa của Nga, tổ chức này có vấn đề chính là điều mà Putin mong muốn.

Thêm nữa, trong bài phát biểu nhận đề cử làm ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa hôm 27/8, Tổng thống Trump nói rằng ông không muốn tiếp diễn các cuộc chiến tranh kéo dài bất tận ở nước ngoài khiến Hoa Kỳ hao người tốn của. Phát biểu này cũng cho thấy quan điểm nhất quán lấy quyền lợi của nước Mỹ làm trung tâm mà ông chủ Nhà Trắng thứ 45 theo đuổi. Tuy nhiên, việc này sẽ khiến Moscow nghĩ rằng họ sẽ ít bị làm khó dễ ở những vùng chiến sự mà Kremlin muốn gây ảnh hưởng như Irag, Afganistan hay Syria.

Ngoài ra, khác với các tổng thống tiền nhiệm và các ứng viên tổng thống phe Dân chủ, ông Trump coi Bắc Kinh mới là lực lượng lớn và nguy hiểm nhất đe dọa nước Mỹ và thế giới. Ông Trump đã nhiều lần chỉ ra các chiêu thức ma mãnh mà chính quyền Trung Quốc áp dụng để hủy hoại Hoa Kỳ, như việc Bắc Kinh tìm cách chiếm đoạt tài sản trí tuệ và lấy đi việc làm của người Mỹ, trong khi bảo hộ thái quá doanh nghiệp Trung Quốc và ngăn cản doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Đại Lục.

Việc chính quyền Trump đưa Bắc Kinh lên đầu danh sách các thế lực gây nguy hiểm cho nước Mỹ đồng nghĩa với việc Moscow tự nhiên trở thành lực lượng ít bị chú ý ít hơn. Đây có lẽ là một lý do quan trọng nữa khiến chính quyền của ông Putin thích ông Trump trúng cử hơn.

Vẫn là ‘hình mẫu ngược’

Việc ông Putin muốn ông Trump làm tổng thống Mỹ không có nghĩa rằng ông muốn Hoa Kỳ là bạn của nước Nga ít nhất trong thời gian ông Trump làm chủ Nhà Trắng. Những gì diễn ra trên thực tế cho thấy những cáo buộc ông Putin là người “tham quyền, cố vị”, đàn áp dân chủ, nhân quyền” không phải không có căn cứ.

Những năm gần đây ông Navalny nổi lên như một chính trị gia phản biện các chính sách của Tổng thống Putin gay gắt nhất. The Wall Street Journal cho rằng ông Navalny là “người mà Vladimir Putin sợ nhất”. Vị chính trị gia 44 tuổi đã nhiều lần bị chính quyền Putin bắt giam và quấy nhiễu.

Vào ngày 20/8 trong khi trở về Moscow trên chuyến bay từ thành phố Tomsk, ông Navalny cảm thấy khó chịu, một video lan truyền trên internet cho thấy ông kêu gào vì cảm thấy đau đớn, sau đó ông lập tức được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Hai ngày sau ông được đưa đến một bệnh viện ở Thủ đô Berlin của Đức để tiếp tục điều trị.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ Tư (2/9) nói rằng ông Navalny bị đầu độc bởi chất độc thần kinh hóa học thuộc nhóm Novichok. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Sáu (4/9) cũng cho biết có bằng chức xác thực việc nhân vật chính trị đối lập với ông Putin bị đầu độc.

Vào ngày 4/3/2018 hai cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal cũng đã bị đầu độc bằng Novichok. Đến ngày 14/3, chính phủ của nữ Thủ tướng Anh Theresa May chính thức cáo buộc chính phủ Putin chủ mưu thực hiện vụ đầu độc này.

Khi thông tin về ông Navalny bị đầu độc lan truyền người ta đều cho rằng ông Putin đứng sau vụ việc này. Việc nghi ngờ ông Putin là khó tránh khỏi khi Tổng thống Nga bị cho là người có quan điểm cứng rắn và không từ thủ đoạn nào để hạ bệ những nhân vật đối lập, ông cũng từng bị nghi ngờ đứng sau vụ ám sát một chính trị gia đối lập khác có tên Boris Nemtsov vào năm 2015.

Vào đêm muộn ngày 27/2/2015, ông Nemtsov đã bị bắn 4 phát đạn vào lưng khi ông đang đi bộ cùng bạn gái ở vị trí cách điện Kremlin và Quảng trường Đỏ khoảng gần 200 mét. Vụ ám sát này xảy ra chỉ 2 ngày trước khi ông Nemtsov dự định tổ chức một cuộc biểu tình hòa bình phản đối chính sách của chính phủ Putin.

Việc chính phủ Putin ủng hộ ông Trump tiếp tục làm tổng thống Mỹ cũng không có nghĩa rằng ông Putin có “hệ thống tư duy” tương đồng với ông Trump. Thực tế còn cho thấy điều ngược lại. Trong khi Tổng thống Trump nhìn nhận Bắc Kinh là thế lực hắc ám cần phải đẩy lùi thì ông Putin lại coi chính quyền Bắc Kinh là bạn, việc chính phủ Nga mở rộng “vòng tay” chào đón các nhà đầu tư Trung Quốc, bao gồm cả Huawei vốn bị các nước phương Tây tẩy chay vì làm gián điệp cho Trung Nam Hải, là minh chứng sinh động nhất cho nhận định này.

Nga dưới thời Putin vẫn tiếp tục liên thủ với Bắc Kinh cản trở các lệnh trừng phạt đối với chính quyền Iran, lực lượng bị chính quyền Trump coi là nhà tài trợ cho các tổ chức khủng bố ở Trung Đông. Thêm nữa, chính phủ Putin cùng với chính quyền Trung Quốc thường xuyên có các hành động bao che và chống đỡ cho các thế lực đen bị thế giới tự do lên án như chính phủ Maduro ở Venezuela, chính quyền của gia đình Kim Jong Un ở Triều Tiên, chính phủ Bashar Al-Assad ở Syria, chính phủ của Tổng thống Viktor Yanukovych bị phế truất vì tham nhũng ở Ukraine.

Tới đây có thể tạm kết luận rằng, với những hành động thể hiện ra bên ngoài trong suốt hơn 20 năm cầm quyền ở Nga, ông Putin là một chính trị gia có xu hướng thiên tả, ủng hộ các thế lực bất hảo, vì thế không ngẫu nhiên khi ông bị coi là một “hình mẫu ngược” với các hình mẫu nguyên thủ quốc gia mà người dân yêu mến dân chủ, tự do tìm kiếm.

Bài viết thế hiện quan điểm riêng của tác giả, không phản ánh quan điểm của DKN

Bình luận về bài viết này